EU soạn thảo vòng trừng phạt thứ 16 đối với Nga
Truyền thông quốc tế trích dẫn nguồn tin từ các quan chức giấu tên cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét lệnh cấm dần khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các hạn chế mới đối với nhôm của Nga như một phần trong đợt trừng phạt tiếp theo.
EU đã bắt đầu soạn thảo vòng trừng phạt thứ 16 đối với Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Mátxcơva tại Ukraine. EU đặt mục tiêu phê duyệt gói trừng phạt này vào ngày 24-2, nhân dịp ba năm ngày bùng phát xung đột Nga-Ukraine.
Việc loại bỏ dần LNG của Nga có thể được ban hành như một lệnh trừng phạt hoặc một phần của lộ trình do Ủy ban châu Âu trình bày vào tháng tới. Trong khi các hạn chế đối với nhôm sẽ được thực hiện dần dần, với khung thời gian vẫn chưa được xác định.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt mới cũng có thể nhắm vào hàng chục tàu thuộc "đội tàu ngầm" của Nga và cắt đứt quan hệ với nhiều ngân hàng hơn nữa trong hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Các dự thảo của gói trừng phạt này hiện đang được thảo luận và có thể thay đổi trước khi được trình bày chính thức.
Các quan chức và nhà ngoại giao giấu tên cho biết, EU vẫn đang tranh luận về việc có nên áp đặt các hạn chế đối với LNG của Nga thông qua lệnh trừng phạt hay dưới dạng một bộ quy định trong lộ trình, hoặc kết hợp cả hai.
Các lệnh trừng phạt này được cho là có thể mang “sức nặng” nhất, đòi hỏi sự nhất trí của tất cả quốc gia thành viên. Yêu cầu này đã ngăn cản EU cấm vận chuyển khí đốt qua đường ống của Nga, vì các quốc gia thành viên như Slovakia và Hungary vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ xứ sở Bạch dương.
Theo giới chức EU, các nước nhập khẩu LNG lớn nhất của Nga vào EU là Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp, dự kiến sẽ không ngăn chặn các lệnh trừng phạt đối với Mátxcơva.
EU đã áp đặt những hạn chế lớn đầu tiên đối với khí đốt của Nga, bao gồm cả LNG, trong gói trừng phạt thứ 14 vào tháng 6-2024. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất thay thế LNG của Nga bằng hàng nhập khẩu của Mỹ trong cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 11.
Gói trừng phạt thứ 16 được đưa ra sau lệnh trừng phạt phối hợp của Mỹ và Anh đối với lĩnh vực năng lượng và “đội tàu ngầm” của Nga. Hai nước này đã áp đặt các hạn chế lớn vào ngày 10-1 đối với hơn 180 tàu chở dầu của Nga và một số công ty dầu mỏ. Sau lệnh trừng phạt, 65 tàu chở dầu trên toàn thế giới đã tạm dừng hoạt động.