Khoa học - Công nghệ

Nghị quyết số 57-NQ/TW khuyến khích đầu tư nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo

Việt Nga thực hiện 15/01/2025 - 10:49

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị, nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia; là điều kiện, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Báo Hànộimới đã ghi lại các ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp xoay quanh Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Muốn làm chủ công nghệ thì phải có nguồn lực để làm chủ công nghệ

img_9001.jpeg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Giang Phạm

Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Ba trụ cột này giúp nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cách mạng nghĩa là tốc độ nhanh, bỏ cái cũ, tạo ra cách làm mới.

Một quan điểm chỉ đạo quan trọng trong Nghị quyết là: Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi.

Theo đó, thể chế là điều kiện tiên quyết, đi trước một bước, theo kịp và kiến tạo phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, loại tỏ tư duy "không quản được thì cấm". Nghị quyết nhấn mạnh, quản lý phải theo kịp sự phát triển, phải kiến tạo.

Muốn làm chủ công nghệ chiến lược thì phải thu hút được nhân tài, do đó Nghị quyết đã nhấn mạnh cần có chính sách đặc biệt cho nhân tài.

Nhân tài là yếu tố cốt lõi trong mọi giai đoạn phát triển. Cần phải có chính sách đãi ngộ nhằm tuyển dụng nhân tài làm việc tại khối quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các viện và trường đại học.

Có thể học hỏi kinh nghiệm của Australia về việc tuyển dụng, sử dụng nhân tài trong cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước có thể thuê nhân tài phục vụ cho các dự án, đề án hoặc soạn thảo cơ chế chính sách, làm những việc mang tính đột phá, không cần phải tuyển dụng làm việc thường xuyên.

Muốn làm chủ công nghệ thì phải đi đều hai chân, phải có nguồn lực để làm chủ công nghệ. "Make in Vietnam" chính là tinh thần làm chủ công nghệ, nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết nhấn mạnh tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy trí tuệ Việt Nam.

Đặc biệt, Nghị quyết nêu quan điểm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và kinh doanh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời đề xuất triển khai các cơ chế thí điểm (sandbox) và quỹ đầu tư mạo hiểm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số thử nghiệm và phát triển.

Có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Về công tác cán bộ, Nghị quyết xác định rõ trách nhiệm, vai trò quan trọng của người đứng đầu trong chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW phải được ứng dụng vào công việc hằng ngày. Lãnh đạo các đơn vị thay đổi cách quản trị, quản lý nhân viên, chú trọng vào kết quả cuối cùng, không ngại thí điểm, thử nghiệm cái mới, cách làm mới.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Tô Dũng Thái: Nghị quyết số 57-NQ/TW khuyến khích doanh nghiệp nhà nước đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

img_9005.jpeg
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái. Ảnh: T. H

Các doanh nghiệp công nghệ trụ cột của nhà nước như VNPT đóng vai trò nòng cốt trong việc hiện thực hóa các nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW vào thực tiễn. Đây là những đơn vị có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và hạ tầng, đồng thời sở hữu đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, đáp ứng tốt yêu cầu triển khai các mục tiêu chiến lược.

VNPT và các doanh nghiệp dẫn đầu trong việc phát triển hạ tầng công nghệ số quốc gia, đặc biệt là triển khai mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số.

Những dự án này không chỉ đảm bảo sự kết nối đồng bộ mà còn thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong nghiên cứu và phát triển (R&D), thử nghiệm các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, và công nghệ bán dẫn.

Các đơn vị này chính là lực lượng tiên phong trong ứng dụng các công nghệ mới vào thực tiễn, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

VNPT và các doanh nghiệp công nghệ số có vai trò quan trọng trong việc phổ cập công nghệ đến các ngành kinh tế khác, từ y tế, giáo dục, đến nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với kinh nghiệm tham gia các dự án chuyển đổi số quốc gia, VNPT sẵn sàng tư vấn, góp ý chính sách đảm bảo cho sự đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Thực hiện các nội dung trong Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp trụ cột khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới.

VNPT sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ ưu tiên chính, gồm: Đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và phát triển, với trọng tâm là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, Cloud và 5G/6G, nhằm tạo cơ sở cho đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ số tiên tiến, đặc biệt là mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các nền tảng số quốc gia, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo chuyên sâu và thu hút nhân tài trong nước lẫn quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình: Nghị quyết trụ cột cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

img_8992.jpeg
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình. Ảnh: T.H

Là tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, FPT sẽ tích cực thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW bằng các cam kết.

Thứ nhất, ở nội dung “khai thác dữ liệu”, FPT sẽ khai thác hiệu quả dữ liệu của Chính phủ để phục vụ người dân và doanh nghiệp, cụ thể là các mảng y tế, giáo dục, lao động, thuế, ngân hàng và bảo mật.

Thứ hai “chia sẻ dữ liệu”, FPT sẽ đóng góp, chia sẻ dữ liệu của mình cho Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Thứ ba “đào tạo nguồn lực số”, FPT đẩy mạnh hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ phục vụ chuyển đổi số ở các cấp: Phổ thông, đào tạo nghề, đại học, sau đại học và đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn.

Thứ tư là “ngoại giao công nghệ”, chúng tôi đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy ngoại giao công nghệ nhằm thu hút đầu tư bán dẫn vào Việt Nam, liên kết xuyên biên giới, đa quốc gia; đưa lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, dịch vụ chuyển đổi số của Việt Nam ra thế giới; xây dựng thương hiệu công nghệ Việt Nam.

Thứ năm là “liên doanh với các doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới” để xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, trên 50MW tại Việt Nam.

Thứ sáu là “chuyển đổi số toàn quốc”, FPT triển khai chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho các bộ, ngành, địa phương.

Thứ bảy là “thành phố thông minh chuẩn quốc tế”, chúng tôi triển khai 3 thành phố thông minh đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ tám "nghiên cứu phát triển công nghệ lõi”, FPT đầu tư nghiên cứu, phát triển, mua bán và sáp nhập (M&A) quốc tế các công nghệ lõi, nhằm làm chủ về trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật kết nối, dữ liệu lớn, an ninh mạng, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử…

Tổng Giám đốc kiêm nhà sáng lập Công ty An ninh mạng thông minh SCS-SafeGate Ngô Tuấn Anh: Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cần nhất là thị trường

img_9003.jpeg
Tổng Giám đốc Công ty An ninh mạng thông minh SCS-SafeGate Ngô Tuấn Anh. Ảnh: T.H

Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã tập trung tháo gỡ nhiều cơ chế chính sách cho ngành khoa học công nghệ, với quan điểm đổi mới, bảo đảm quản lý hiệu quả và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết này đã thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược cũng như sự quyết tâm của của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, với cách tiếp cận, các mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Với điểm đột phá và những bước đi bài bản, mạnh mẽ được nêu ra, Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ tháo gỡ được điểm nghẽn, mà quan trọng hơn là đã tạo được niềm tin, động lực cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam tự tin phát triển và vươn mình.

Tôi cho rằng Nghị quyết số 57-NQ/TW là bước khởi đầu quan trọng cho thời kỳ phát triển mới. Đối với các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo, chúng tôi rất chờ đợi các kế hoạch chi tiết tiếp theo.

Để các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống cần có sự tham gia sâu và mạnh mẽ hơn của các chủ thể. Trong cuộc cách mạng toàn diện này, mỗi chủ thể tham gia đều đóng góp, thể hiện được vai trò cũng như trách nhiệm của mình.

Cùng với khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được xác định là 1 trong 3 trụ cột và là động lực phát triển. Vì vậy, tôi mong chờ việc các doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo có thể được tham gia sâu hơn vào xây dựng thể chế, kế hoạch, cũng như các chương trình phát triển ở mỗi lĩnh vực cụ thể.

Doanh nghiệp startup, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cần nhất là thị trường để các sản phẩm, dịch vụ của mình được triển khai.

Điều này sẽ giải quyết 2 vấn đề: Thứ nhất là tạo nguồn thu để giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển; thứ hai là qua quá trình triển khai sẽ giúp hoàn thiện sản phẩm trong môi trường thực tế.

Tuy nhiên, để tham gia thị trường đối với các doanh nghiệp startup, đổi mới sáng tạo là điều không dễ dàng, vì nhiều điều kiện, rào cản phải vượt qua, nhất là các quy định về năng lực triển khai, tài chính…

Trong nghị quyết có nêu cơ chế thí điểm (sandbox), điều này cởi trói cho các doanh nghiệp startup đổi mới sáng tạo. Cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước cần đưa ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể để có thể đảm bảo bất kỳ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nào cũng có thể tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển này.