Xây & Chống

Phản bác mọi luận điệu xuyên tạc về tinh gọn tổ chức bộ máy

PGS,TS Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự 15/01/2025 - 08:05

Sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đã và đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị không từ mọi thủ đoạn xuyên tạc về cuộc cách mạng này. Do đó, việc đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái, bịa đặt, bóp méo của các thế lực thù địch là một yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Luận điệu sai trái của những kẻ chống đối

Hiện nay, trên các trang tiếng Việt của một số cơ quan truyền thông nước ngoài như BBC, RFA, VOA… và các trang mạng xã hội phản động, các thế lực thù địch liên tục đưa tin, bài, hình ảnh, video bôi nhọ, xuyên tạc cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị mà chúng ta đã và đang tiến hành rất ráo riết. Chúng bịa đặt rằng: “Sáp nhập là cách Đảng muốn thanh trừng phe cánh”; hay “cơ cấu bộ máy nhà nước nói là tinh gọn nhưng không thay đổi mà chỉ chuyển người từ chỗ này sang chỗ khác, chỉ gây tốn kém, phức tạp”. Tiếp đến là những giọng điệu: “Việc tinh giản biên chế ở Việt Nam chỉ là hình thức, mị dân”; “việc tinh giản biên chế sẽ khiến nhiều người mất việc, là thiếu tính nhân văn, gây ra mất ổn định xã hội”...

Từ những luận điệu vô căn cứ này, chúng ngụy biện, xảo ngôn với lời lẽ đầy sai trái rằng: Việt Nam không có tinh giản biên chế, không có tinh gọn bộ máy mà đây chỉ là “miếng bánh phân chia quyền lực”, chuyện của “các phe phái”...

Thực tế, chúng ta đã quá quen thuộc với những thủ đoạn và lời lẽ chống phá của các thế lực thù địch. Bởi vậy, việc đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái này lúc nào cũng rất cần thiết. Đó không chỉ khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy mà còn củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng trong cuộc cách mạng quyết liệt đang được cả hệ thống chính trị tiến hành, tạo tiền đề vững chắc để chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Ngọn đuốc soi đường cho cuộc cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn rất quan tâm đến việc tinh gọn bộ máy qua các thời kỳ cách mạng. Người chỉ rõ: “Khi bộ máy cồng kềnh thì biên chế phình ra và dẫn tới vừa quan liêu, vừa lãng phí”. Do đó, Người thường xuyên yêu cầu các cơ quan phải “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”. Tinh giản theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tinh là năng suất lên cao, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”. Để tinh giản biên chế, Người đưa ra biện pháp: “Phải sắp xếp cho gọn gàng, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình”.

Thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn để cải cách, đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới, đặc biệt từ Đại hội VII (1991) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị quyết số 10-NQ/TƯ, ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nghị quyết số 17-NQ/TƯ, ngày 1-8-2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; Nghị quyết số 39-NQ/TƯ, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là những chủ trương, đường lối đúng đắn, thể hiện quyết tâm của Đảng trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhiệm vụ này đang đặt ra rất cấp thiết. Hiện nay, 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy, trong khi đó, công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập, một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển đất nước.

Trong bài viết: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng, tính tất yếu phải đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo quan điểm bảo đảm “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hệ trọng, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải tập trung giải quyết.

Và quan điểm “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” đã trở thành kim chỉ nam quan trọng cho việc xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, phù hợp yêu cầu phát triển của thời đại. Đây không chỉ là một định hướng cải cách hành chính, mà còn là trọng điểm chiến lược để tạo dựng một hệ thống quản lý nhà nước khoa học, minh bạch, tập trung vào giá trị thực chất nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc giải phóng, phát triển lực lượng sản xuất xã hội, tăng cường sức sống cho hệ thống quản lý điều hành đất nước. Đó là nguyên tắc quan trọng và cũng là điều kiện tiền đề cho việc phát triển hơn nữa lao động, tri thức, kỹ thuật, công nghệ, nguồn vốn để không ngừng tạo ra của cải phục vụ xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Thực tiễn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc

Thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc tinh giản biên chế và giảm bớt các đầu mối, tầng nấc trung gian đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Chỉ riêng đối với Bộ Công an, từ năm 2018 đến nay, qua hai lần kiện toàn tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã giảm 7 tổng cục và tương đương, 55 đơn vị cấp cục, 7 trường Công an nhân dân, 20 sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh, gần 1.200 đơn vị cấp phòng, trên 3.500 đơn vị cấp đội. Sau sắp xếp, kiện toàn bộ máy, Bộ Công an vẫn hoạt động hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự với nhiều dấu ấn nổi bật, đóng góp rất quan trọng vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước.

Những ngày gần đây, ngay sau khi cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được phát động, toàn bộ các cơ quan của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy theo đúng lộ trình đặt ra. Ngày 30-12-2024, Bộ Chính trị công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Đây là những hành động và kết quả thực chất của việc tinh gọn bộ máy, từ đó phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy chỉ mang tính hình thức, không thực chất, không đủ quyết tâm.

Thực tiễn cho thấy, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta với mục đích rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện “làm cho có”, “chỉ là hình thức”, “tranh giành quyền lực” hay “đấu đá nội bộ”… như các thế lực thù địch xuyên tạc, rêu rao, bóp méo. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là việc làm không hề dễ dàng, liên quan nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Do đó, để công tác quan trọng này đi tới thành công đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải có tinh thần mạnh mẽ hơn, với quyết tâm chính trị cao, thống nhất về tư tưởng, hành động quyết liệt, tiến hành nhanh, gọn nhưng phải hiệu quả và không để kéo dài.

Đặc biệt, cần phải công khai, minh bạch trong các bước thực hiện, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng thông tin mơ hồ, gây hoang mang; tăng cường đối thoại, giải thích trực tiếp, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong suốt quá trình thực hiện. Đồng thời, cần đẩy mạnh vai trò của báo chí và truyền thông trong đấu tranh, phản bác trực diện các luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch về cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang quyết liệt thực hiện…

Làm tốt được các yêu cầu trên, công cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhất định sẽ thành công, qua đó tạo tiền đề vững chắc khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, để Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.