Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Nguồn cung hàng hóa dồi dào
Đến nay, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng khai thác hàng hóa tăng trung bình 5%-20% tùy từng mặt hàng. Tại các điểm bán hàng, lượng hàng hóa tăng 30%-35% sẵn sàng phục vụ người dân.
Xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để chủ động nguồn hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết, cuối năm 2024, Sở Công Thương đã tạo điều kiện cho 600 lượt doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh giao thương, tham gia hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội.
Qua đó, hơn 3.000 nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh đã được kết nối vào hệ thống phân phối, khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố đã được tiêu thụ.
Thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp đã khai thác đa dạng nguồn cung, đảm bảo chuẩn bị đủ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã phối hợp với 43 tỉnh, thành phố xây dựng, phát triển 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm, nông, lâm, thủy sản an toàn cho thành phố Hà Nội, qua đó góp phần cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, đến nay đã có 22 doanh nghiệp tham gia, với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, cung ứng tại hơn 10.600 điểm bán. Trong đó, có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao, như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, Hapro…
Ước tính, lượng hàng hóa thực hiện chương trình bình ổn thị trường của thành phố Hà Nội có thể đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong 1 tháng (khả năng cung ứng của chương trình trong 3 tháng trước, trong và sau Tết là khoảng 997.531 tấn thực phẩm các loại).
Về phía hệ thống phân phối, hiện các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa tăng trung bình 5%-20% tùy từng mặt hàng.
Tại các điểm bán hàng, lượng hàng hóa tăng 30%-35%, sẵn sàng phục vụ nhân dân, trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm khoảng 85%-90%.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng, đưa ngay hàng về Hà Nội khi nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra”, ông Nguyễn Thế Hiệp thông tin.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cũng thông tin, các đơn vị bán lẻ đã đàm phán với doanh nghiệp sản xuất về nguồn cung cũng như giá cả từ cách đây 3-6 tháng.
Doanh nghiệp cam kết không tăng giá hàng hóa
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam (quản lý siêu thị GO!, Big C), thông tin các siêu thị trực thuộc đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh Tết từ rất sớm và dành nhiều ưu đãi giảm giá, chính sách “khóa giá”, không tăng giá đối với hơn 10.000 mặt hàng tiêu dùng nhanh từ 6 tuần trước Tết Nguyên đán 2025.
"Central Retail Việt Nam chuẩn bị lượng hàng thực phẩm tươi sống cung ứng dịp Tết tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Central Retail sẽ hợp tác với các nhà cung cấp trên toàn quốc giao hàng xuyên Tết, bảo đảm nguồn cung ứng đầy đủ nhất, kể cả với các mặt hàng thực phẩm tươi sống", bà Vân nêu.
Theo bà Hà Thị Thu Trang, Trưởng phòng cao cấp Trade Marketing Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce – Chi nhánh Hà Nội, dự báo, sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường. Wincommerce đã chủ động dự trữ hàng hóa từ sớm với lượng dự trữ tăng 10%-20%, bảo đảm cung ứng đầy đủ với giá bán ổn định.
Còn theo bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc và miền Trung Công ty TNHH AEON Việt Nam, dự trữ hàng hóa năm nay của doanh nghiệp tăng khoảng 5% so với Tết năm ngoái.
So với các thời điểm khác trong năm, lượng dự trữ hàng hóa cao hơn 20% - 30%, thậm chí tăng đến 50% đối với các sản phẩm được ưa chuộng trong Tết.
Trong khi đó, Trưởng ban Đối ngoại marketing Hapro Nguyễn Thị Hiền cũng thông tin, BRGMart phối hợp với các nhà cung cấp dự báo sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp 2-3 lần các tháng trong năm.
Bên cạnh đó, hệ thống nhập hàng, bảo đảm phương tiện vận chuyển vào cao điểm tháng 12-2024, tháng 1-2025, đồng thời tăng cường bộ phận kiểm soát chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm. BRGMart cũng tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố Hà Nội.
Với đơn vị sản xuất, ông Vương Trọng Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cho hay, dịp Tết Ất Tỵ 2025, đơn vị dự kiến đưa ra thị trường 450 tấn bánh, mứt, kẹo phục vụ nhân dân Thủ đô và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Về vấn đề giao thông, ông Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho phép Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố hướng dẫn, cho phép xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng, dầu hoạt động 24/24h.
Sở Công Thương đã gửi danh sách 190 xe vận chuyển hàng hóa để Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố kiểm tra, cấp phép, đảm bảo lưu thông thông suốt hàng hóa trong dịp Tết.
“Tổng hợp thông tin giờ mở cửa phục vụ nhân dân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, đã có 1.313 địa điểm phân phối bán lẻ mở cửa bán hàng từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết”, ông Nguyễn Thế Hiệp nói.
Chiều 14-1, Bộ Công Thương đã làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đề nghị Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn giá, phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường; chú ý tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyển thực phẩm tươi sống phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ.