Xã hội

Công tác bảo trợ xã hội tại Hà Nội năm 2024:Người yếu thế thêm cơ hội đổi đời

Mai Hoa 14/01/2025 - 06:26

Hơn 1.757 tỷ đồng đã được các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô chi trả trợ cấp đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch cho các đối tượng bảo trợ xã hội trong năm 2024. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, công tác bảo trợ xã hội của Hà Nội tiếp tục được thực hiện hiệu quả.

tre-em.jpg
Trẻ em Thủ đô tiêu biểu vượt khó học tốt nhận quà hỗ trợ của Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội. Ảnh: Minh Thu

Quan tâm, tạo cơ hội cho người yếu thế

Trong hành trình cùng các cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội thực hiện trao quà, trao hỗ trợ đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, câu chuyện của em Đào Bích Ngọc (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là một ví dụ cụ thể trong việc tạo cơ hội đổi đời cho người yếu thế. Nhiều năm qua, 2 chị em Ngọc không có bố mẹ ở bên, chỉ được một mình bà nội chăm sóc. Với sự vào cuộc của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, Ngọc trở thành một thành viên của mô hình lớp học “Tỏa sáng” do trung tâm tổ chức, được trang bị kiến thức, kỹ năng từ các chuyên gia giỏi, được hỗ trợ chi phí học tập hằng tháng, duy trì cho đến hết học kỳ 1 của năm thứ nhất cấp đại học. Nhờ sự hỗ trợ thiết thực và duy trì ổn định ấy, cùng khoản trợ cấp xã hội dành cho hộ gia đình, nhiều năm liền, Ngọc là học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, tự tin nuôi ước mơ trở thành nhà giáo.

Đào Bích Ngọc chỉ là một trong hàng nghìn trẻ em hoàn cảnh đặc biệt được các cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội quan tâm, chăm sóc, tạo cơ hội hỗ trợ duy trì học tập để có nghề nghiệp vững vàng trong tương lai. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Triệu cho biết, trong năm 2024, trung tâm đã vận động được 299 đơn vị, cá nhân tài trợ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố với tổng giá trị 12,19 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 6.576 lượt trẻ em với kinh phí 12,58 tỷ đồng.

Không chỉ quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, Hà Nội còn dành nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm người già neo đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật… Hà Nội hiện có hơn 203.000 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng trong tổng số hơn 3,8 triệu người trên cả nước đang hưởng trợ cấp xã hội. Việc triển khai và thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người yếu thế, đồng thời góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Hoàn thành tốt việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng

Cùng với việc thực hiện chính sách trợ cấp xã hội minh bạch, công khai, đầy đủ tại địa phương, Hà Nội còn quan tâm nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm bảo trợ xã hội. Hiện nay, tổng số đối tượng đang được quản lý tại 12 trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố là 3.102 người. Năm 2024, các cơ sở trợ giúp của thành phố thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,76 triệu đồng/người/tháng (riêng trẻ em dưới 4 tuổi là 2,2 triệu đồng/tháng) và chi khác 350.000 đồng/tháng (riêng người tâm thần là 400.000 đồng/tháng).

Một giải pháp được các trung tâm bảo trợ xã hội của Hà Nội chú trọng thực hiện là luôn bảo đảm chế độ nuôi dưỡng theo quy định: Thực đơn được thay đổi hằng ngày, bảo đảm dinh dưỡng, phù hợp với tình trạng sức khỏe, lứa tuổi của từng nhóm đối tượng. Lương thực, thực phẩm nhập vào có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng. Quy trình chế biến bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; lưu mẫu thức ăn và công khai tài chính theo quy định. Ngoài ra, các đơn vị tăng cường thực hiện giải pháp huy động nguồn xã hội hóa, nguồn từ tăng gia sản xuất để bổ sung dinh dưỡng, bữa ăn phụ hằng ngày cho đối tượng.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đánh giá: “Trong năm 2024, các đơn vị khối Bảo trợ xã hội của thành phố đã hoàn thành tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, đồng thời, bảo đảm phòng chống các dịch bệnh một cách hiệu quả. Toàn khối tiếp tục đẩy mạnh tăng gia sản xuất để tăng cường chế độ dinh dưỡng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng quản lý”.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều năm nay, thành phố Hà Nội luôn bảo đảm 100% các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội liên quan. 100% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội dưới các hình thức khác nhau.

Ghi nhận hiệu quả công tác bảo trợ xã hội của thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương đặc biệt đề cao tâm huyết và trách nhiệm của người làm nghề, nhất là cán bộ cấp cơ sở. Bởi chính họ đã và đang từng ngày lặng lẽ, âm thầm làm tốt nhiệm vụ, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của thành phố đối với các mảnh đời khốn khó, giúp đỡ, hỗ trợ họ, góp phần tạo nên cơ hội đổi đời cho người yếu thế.