Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 14-1-2025
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; Đột phá về đầu tư trên địa bàn Thủ đô; Quản lý quy hoạch, kiến trúc Hà Nội có trọng tâm, trọng điểm; Hà Nội tổ chức biểu diễn nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ; Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả; Công tác bảo trợ xã hội tại Hà Nội năm 2024: Người yếu thế thêm cơ hội đổi đời… là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 14-1-2025.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Chiều 13-1, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổng kết hoạt động HĐND các cấp thành phố năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phát biểu tại buổi tổng kết, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị HĐND các cấp thành phố cần tiếp tục “chủ động, đồng hành, thực chất, hiệu quả”, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác; phát động các phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả để lan tỏa sự đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động; khẩn trương rà soát, hoàn thiện, ban hành đầy đủ các quy định, cơ chế, chính sách để cụ thể hóa và phát huy hiệu quả của Luật Thủ đô 2024…
Đột phá về đầu tư trên địa bàn Thủ đô
Luật Thủ đô năm 2024 có tới hơn 50 nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền. Trong đó, nổi lên cơ chế có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo đột phá trong cả nhận thức và thể chế về đầu tư trên địa bàn Thủ đô, đó là đầu tư mạo hiểm và thử nghiệm có kiểm soát.
Theo Luật Thủ đô năm 2024, thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm với vốn điều lệ được bố trí từ ngân sách thành phố và huy động từ tài trợ và các nguồn khác theo quy định pháp luật. Nguyên tắc hoạt động theo quy luật của thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch.
Quản lý quy hoạch, kiến trúc Hà Nội có trọng tâm, trọng điểm
Ngày 13-1, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị công bố Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 là 2 nội dung rất quan trọng, cụ thể hóa một số nội dung được xác định tại các nghị quyết của trung ương và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là tập hợp các quy định, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án, chỉ tiêu, số liệu nhằm quản lý quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm và tuân thủ theo quy hoạch được duyệt.
Hà Nội tổ chức biểu diễn nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ
Nhân dịp chào đón năm mới Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình biểu diễn miễn phí tại trung tâm các quận, huyện, thị xã từ ngày 28-1 đến 2-2. Đây là đợt biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị đầu tiên trong năm 2025 của các đơn vị nghệ thuật Thủ đô. Các chương trình biểu diễn được dàn dựng công phu với nhiều tiết mục ca, múa, nhạc, kịch… đặc sắc và hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong dịp chào đón Xuân mới Ất Tỵ 2025.
Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả
Thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027”, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã cụ thể hóa bằng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Công tác bảo trợ xã hội tại Hà Nội năm 2024: Người yếu thế thêm cơ hội đổi đời
Hơn 1.757 tỷ đồng đã được các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô chi trả trợ cấp đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch cho các đối tượng bảo trợ xã hội trong năm 2024. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, công tác bảo trợ xã hội của Hà Nội tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Ước tính, năm 2024, các cơ sở trợ giúp của thành phố thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,76 triệu đồng/người/tháng (riêng trẻ em dưới 4 tuổi là 2,2 triệu đồng/tháng) và chi khác 350.000 đồng/tháng (riêng người tâm thần là 400.000 đồng/tháng).