Dư địa lớn cho thương mại hóa dịch vụ 5G
Hiện đã có 2/3 nhà mạng chính thức kinh doanh thương mại dịch vụ 5G, mang đến nhiều giá trị cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, khi triển khai dịch vụ 5G, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp giải pháp, doanh nghiệp khách hàng cần tăng cường hợp tác để phát triển nhanh và hiệu quả trong tương lai.
Số thuê bao tăng nhanh
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết, sau hơn 2 tháng từ khi chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G (ngày 15-10-2024), Viettel đã có 4 triệu thuê bao. Trung bình mỗi thuê bao 5G tiêu thụ khoảng 21GB dữ liệu/tháng, tăng 1,7 lần so với thời gian đầu cung cấp dịch vụ. Hiện Viettel còn khoảng 6 triệu thuê bao trên mạng lưới có thiết bị đầu cuối 5G nhưng chưa kết nối 5G, cho thấy, dư địa tăng trưởng thuê bao 5G của Viettel trong năm 2025 còn nhiều.
Về phía Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), sau nửa tháng kể từ ngày chính thức khai trương dịch vụ 5G (ngày 20-12-2024), VNPT đã có 1,8 triệu thuê bao 5G VinaPhone phát sinh lưu lượng. Hiện lưu lượng data 5G VinaPhone chiếm khoảng 1,5% tổng lưu lượng toàn mạng. VinaPhone còn khoảng 3,2 triệu thuê bao đang dùng thiết bị 5G nhưng chưa kết nối.
Những con số trên cho thấy, dịch vụ 5G, sau khi thương mại hóa đã được người dân đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới. Ông Nguyễn Tuấn Tú (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) cho hay, dịch vụ 5G có tốc độ cao vượt trội so với 4G, mang đến trải nghiệm thú vị. Nhà mạng cũng cho phép thuê bao có sim 4G và máy điện thoại 5G sử dụng dịch vụ khi hoạt động trong vùng phủ sóng 5G mà không cần phải đăng ký các gói cước 5G mới. Tuy nhiên, vùng phủ sóng chưa rộng trong thời gian đầu là nhược điểm nhỏ.
"Tôi thường xuyên đi các tỉnh xa nên trải nghiệm 5G sẽ bị gián đoạn ở nơi chưa phủ sóng", ông Nguyễn Tuấn Tú nói.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Lâm (phố Đại Đồng, quận Hoàng Mai) nhận xét, với ưu điểm về công nghệ, 5G có tốc độ xử lý dữ liệu nhanh, giúp giải quyết công việc thuận lợi, hiệu quả. Hộ gia đình, doanh nghiệp có thể sử dụng thiết bị thu sóng 5G, phát wifi trong nhà, văn phòng với tốc độ cao.
Dư địa triển khai 5G rất lớn
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), tại thành phố Hồ Chí Minh, 61% doanh nghiệp được khảo sát chưa tự động hóa, 25% doanh nghiệp có tự động hóa nhưng mức độ rất thấp, 25% doanh nghiệp hoàn toàn không kết nối, thông minh trong dây chuyền sản xuất.
Như vậy, dư địa triển khai 5G hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số kinh tế rất lớn. Ở các quốc gia triển khai 5G thành công, nhà máy ứng dụng 5G có thể giảm khoảng 10% chi phí sản xuất, tiết kiệm 10% vật liệu, giảm 50% thời gian đáp ứng dịch vụ khách hàng. Về tổng thể, doanh nghiệp đạt cả 3 mục tiêu: Giảm chi phí hoạt động, tăng doanh thu, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Trưởng ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel Lê Bá Tân chia sẻ, Viettel cùng các nhà mạng VNPT, MobiFone cử các đoàn đi những nước đã triển khai thành công mạng 5G để học kinh nghiệm, tìm kiếm sản phẩm, giải pháp tích hợp, cung cấp tới khách hàng…
"Hiện Viettel đang làm việc với các doanh nghiệp và bước đầu một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đang sử dụng mạng 5G. Ngoài ra, Viettel phối hợp với các nhà cung cấp ứng dụng, nghiên cứu, phát triển các giải pháp mạng 5G", ông Lê Bá Tân nói.
Song song với phát triển ứng dụng, các nhà mạng cũng gấp rút mở rộng trạm thu phát sóng 5G (BTS). Cả Viettel và VNPT đều dự kiến tăng gấp đôi số trạm BTS trong năm 2025.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã phân tích, với công nghệ 5G, nhà mạng phải cá thể hóa cho từng đối tượng khách hàng, như việc thay đổi dây chuyền, quy mô sản xuất để ứng dụng 5G. "Khi đưa 5G vào ứng dụng, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp giải pháp, doanh nghiệp khách hàng bắt buộc phải hợp tác, đáp ứng nhu cầu, mới có thể phát triển nhanh và hiệu quả trong tương lai", ông Nguyễn Phong Nhã nêu.
Giám đốc giải pháp tự động hóa Công ty cổ phần TNTech Hồ Anh Thắng:
Nên thiết kế gói cước hợp lý cho các khu công nghiệp
Từ nhu cầu thực tế trong quá trình triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ cho các khu công nghiệp, tôi đánh giá nhu cầu ứng dụng 5G vào nhà máy, khu công nghiệp thông minh rất lớn. Theo tôi, doanh nghiệp luôn có nhu cầu áp dụng công nghệ tiên tiến để phục vụ quản lý vận hành, tối ưu, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường.
5G mang lại giá trị rất lớn cho doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, đan xen là những thách thức như việc triển khai hạ tầng 5G chi phí lớn có thể ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, dịch vụ và yêu cầu cạnh tranh của doanh nghiệp. Ví dụ, một khu công nghiệp đã đầu tư từ lâu và cần cải tạo lại hệ thống hạ tầng cáp quang, lắp đặt camera sẽ khó, tốn kém và mất thời gian hơn. Do vậy, tôi cho rằng, nhà mạng xây dựng các gói thuê bao hợp lý, đa dạng với nhu cầu là vấn đề nên cân nhắc. Đồng thời, các nhà mạng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
Trưởng ban Chuyển đổi số, Tổng công ty Viễn thông MobiFone Nguyễn Tuấn Huy:
Cần các chính sách hỗ trợ mở đường cho phát triển 5G
5G chỉ là công nghệ kết nối, còn nhà máy cần cả một dự án chuyển đổi số. Để làm điều đó thì phải có sự đầu tư, mà điều này chỉ doanh nghiệp sản xuất hay nhà mạng là rất khó. Vì đầu tư cho 5G rất lớn, chi phí cho 1 trạm 5G bằng 3, 4 trạm 4G. Do đó, cần các chính sách hỗ trợ mở đường cho phát triển 5G.
Các nước đã triển khai 5G thành công đều có chính sách hỗ trợ đầu tự hạ tầng. Chẳng hạn Chính phủ Hàn Quốc chi gần 2 tỷ USD để đầu tư hạ tầng ứng dụng 5G, cùng với chính sách quốc gia về dùng 5G làm chất xúc tác phát triển kinh tế. Trung Quốc xây dựng chính sách thúc đẩy 5G thông qua ưu đãi thuế, miễn phí tần số...
Tôi cho rằng, dịch vụ 5G chỉ là chất xúc tác, kết nối. Bên cạnh đó còn cần phát triển ứng dụng, hạ tầng số. Dự kiến, đầu năm 2025, MobiFone sẽ khai trương 5G và hướng đến thuê bao cá nhân, giải pháp hộ gia đình và giải pháp cho các ngành.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai:
Nhà mạng sớm phủ sóng 5G ở các khu du lịch, vui chơi
Do thường xuyên đi công tác, tôi được trải nghiệm dịch vụ 5G ở nhiều nơi. Tốc độ và khả năng kết nối nhanh là ưu điểm lớn. Có thể nói, dịch vụ 5G tại trung tâm thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… khá tốt. Tuy nhiên, khi ghé thăm một số điểm du lịch nổi tiếng, như Hải Vân Quan và Cố đô Huế, tôi nhận thấy việc sử dụng mạng 5G không được như mong đợi. Việc tải hình ảnh và video lên mạng xã hội bị gián đoạn. Việc truy cập thông tin qua ứng dụng trực tuyến khó, ảnh hưởng đến việc tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của du khách.
Trong thời đại số hiện nay, kết nối không chỉ là tiện ích mà còn là yếu tố quan trọng trong cuộc sống. Tôi hy vọng, các nhà mạng sẽ sớm mở rộng vùng phủ sóng 5G, để mọi người có thể tận hưởng công nghệ tiên tiến và kết nối với những trải nghiệm tuyệt vời xung quanh, từ đó khám phá vẻ đẹp của đất nước một cách trọn vẹn hơn.
Thanh Hà ghi