Chung sức giảm áp lực học thêm cho học sinh
Quy định mới về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14-2-2025 với nhiều điểm mới.
Từ ngày 14-2-2025, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực trên toàn quốc với nhiều điểm mới nhằm tăng cường hiệu quả quản lý để ngăn ngừa các nguy cơ tiêu cực từng khiến dư luận xã hội bức xúc. Ủng hộ quy định mới về dạy thêm, học thêm với mong muốn giảm áp lực cho học sinh, các ý kiến tâm huyết bày tỏ quyết tâm và chia sẻ giải pháp triển khai hiệu quả Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Đào Tân Lý:
Tuyệt đối không dạy thêm với học sinh tiểu học
Hà Nội hiện có hơn 800 cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học với 775.000 học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT; tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Hiện nay, về cơ bản, các nhà trường đều thực hiện nghiêm túc nội dung này. Khi thông tư mới có hiệu lực, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường kiểm tra, quan tâm việc sắp xếp thời khóa biểu các môn học, hoạt động giáo dục.
Với cấp tiểu học của Hà Nội, nhiệm vụ dạy 2 buổi/ngày là bắt buộc. Để bảo đảm quyền lợi học sinh, tránh thu sai, căn cứ định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường xây dựng thời khóa biểu dạy 2 buổi/ngày, trong đó có định mức tiết dạy cho mỗi lớp. Khi xếp thời khóa biểu, hiệu trưởng phải sử dụng hết nguồn lao động, không được thu tiền của học sinh.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Vân Hồng:
Phụ huynh cân nhắc kỹ khi có nhu cầu học thêm
Quy định mới về dạy thêm, học thêm đã đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhiều nhà giáo hiện nay là được quyền làm thêm một cách chính đáng khi thực hiện đăng ký kinh doanh, đáp ứng đầy đủ các quy định... Nhu cầu học thêm là chính đáng và là nhu cầu có thật từ phía học sinh, gia đình học sinh; việc dạy thêm cũng là nhu cầu chính đáng của giáo viên. Thực tế, ở một số ngành nghề khác, người lao động đều được quyền làm thêm. Với việc “cởi trói” về quy định này và tăng cường quản lý, giám sát để dạy thêm, học thêm minh bạch, nghiêm túc thì nguy cơ xảy ra các hành vi tiêu cực chắc chắn sẽ giảm.
Phụ huynh cần cân nhắc kỹ, đừng vì sợ con bị điểm kém mà phải đi học thêm. Với việc thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay, việc dạy, học và kiểm tra đánh giá có nhiều thay đổi so với trước đây. Học sinh làm bài kiểm tra định kỳ theo đề chung toàn khối; bài kiểm tra được rọc phách, chấm chéo giữa các lớp.
Phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) Vũ Ánh Nguyệt:
Tăng cường quản lý dạy thêm ngoài nhà trường
Tôi ủng hộ quy định mới về dạy thêm, học thêm, trong đó có việc cho phép giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường nhưng phải có đăng ký kinh doanh; đồng thời, phải thực hiện công khai theo quy định, gồm cả công khai mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh. Việc này bảo đảm sự minh bạch, thuận tiện cho gia đình học sinh và người dạy; và cũng tăng cường giám sát từ cộng đồng trong việc thực hiện quy định về dạy thêm.
Theo quy định mới, giáo viên muốn dạy thêm tại nhà có thể đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Quy định mới cũng yêu cầu: “Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm”. Tôi băn khoăn, liệu rằng cơ quan đăng ký kinh doanh có năng lực chuyên môn để thẩm định, cấp phép cho giáo viên hay không? Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường hậu kiểm sau khi cấp phép; đẩy mạnh việc kiểm tra các đơn vị, cá nhân tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.