Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về kinh tế
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, diễn ra ngày 8-1 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế; cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế”.
Đây là định hướng lớn, chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế để đất nước ta vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển.
Đổi mới nghĩa là thay đổi, làm cho cái cũ trở thành cái mới tốt hơn, tiến bộ hơn so với trước, đó là hành động, phương thức để phát triển. Đổi mới là công cuộc sáng tạo mang tính tất yếu. Mỗi người dân, mỗi tổ chức, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia luôn phải tự đổi mới để phát triển lên trình độ mới, cao hơn. Ở nước ta, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, từ năm 1986, Đảng ta đã khởi xướng, lãnh đạo tạo sự thống nhất cao về nhận thực và hành động trong thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Qua đó, chúng ta đã tiến những bước dài, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Sau gần 40 năm đổi mới, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nước ta đã vươn lên trở thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu phát triển đáng ghi nhận. Từ một nước bị tàn phá sau chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát chỉ còn khoảng 4%/năm từ mức “phi mã” 3 con số của giai đoạn đầu đổi mới. Kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 8 năm liên tiếp; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới.
Kết thúc năm 2024, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, cao nhất khu vực trong bối cảnh khó khăn toàn cầu. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng, trong khi nông nghiệp giảm. Xuất siêu kỷ lục, trên 20 tỷ USD. Đáng chú ý, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.
Dân giàu, nước mạnh là giá trị và mục tiêu của phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dân giàu, nước mạnh cũng có nghĩa là kinh tế đất nước phát triển. Những thành tựu trong thực hiện công cuộc đổi mới về kinh tế thời gian qua khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Tuy nhiên, xu hướng kinh tế thế giới có nhiều biến chuyển, tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam. Về nội tại, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức về tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô... Rõ ràng là phía trước chúng ta không chỉ có thời cơ và thuận lợi mà còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức đan xen. Như vậy, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế là việc cấp bách và cần thiết.
Trên tinh thần cấp bách tiến hành đổi mới về kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở nhiều nội dung, định hướng cần đổi mới, đó là đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo không gian mới và động lực phát triển. Thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ. Mục tiêu then chốt là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, ổn định, quán triệt phương châm “phát triển để ổn định - ổn định để phát triển”. Ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tạo sự năng động, sáng tạo... Đây không chỉ là những gợi mở về tư duy mà đặt ra yêu cầu chúng ta cần phải thống nhất về nhận thức và hành động trong việc tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, năm 2024, với sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm, chúng ta đã hoàn thành và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2024. Đây là cơ sở, tiền đề vững chắc, tạo động lực mới, khí thế mới, niềm tin vững chắc để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới toàn diện về kinh tế, từ đó đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.