Mùa lễ hội năm 2025:Bảo đảm an toàn, văn minh
Đến hẹn lại lên, đón xuân mới Ất Tỵ cũng là lúc thành phố Hà Nội bước vào mùa lễ hội rộn rã.
Thời điểm này, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã lên kế hoạch tổ chức với nhiều điểm mới, hấp dẫn, bảo đảm lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và văn minh.
Nhiều điểm mới, hấp dẫn
Là một trong những lễ hội truyền thống lớn của thành phố Hà Nội, Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2025) năm nay được tổ chức quy mô, diễn ra trong 3 ngày, từ 2 đến 4-2 (tức từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng) tại Công viên Văn hóa Đống Đa.
Theo Trưởng ban Quản lý Công viên Văn hóa Đống Đa Vũ Thị Thanh Hương, năm nay, điểm mới của lễ hội là ngoài phần dâng hương, rước kiệu diễn ra vào buổi sáng như mọi năm, lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào buổi tối 2-2 (tức mùng 5 tháng Giêng) với chương trình nghệ thuật hấp dẫn “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước”. Người dân và du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động như: Biểu diễn múa lân, rồng, thư pháp, các trò chơi dân gian, chương trình nghệ thuật…
Theo thông tin từ Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2025 (huyện Mỹ Đức), lễ hội năm nay có chủ đề “Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”, diễn ra từ ngày 31-1 đến ngày 1-5 (tức từ ngày mùng 3 tháng Giêng đến mùng 4 tháng Tư).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2025 Đặng Văn Cảnh thông tin, năm nay, lễ hội có nhiều đổi mới, trong đó địa phương sẽ chú trọng công tác quảng bá hình ảnh chùa Hương thân thiện, mến khách. Các tuyến đường bảo đảm thông thoáng, an toàn, xanh - sạch - đẹp. Điểm nổi bật của lễ hội là việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò nhằm giúp du khách thuận tiện trẩy hội; tổ chức “Tuần lễ văn hóa - du lịch” diễn ra từ ngày 11 đến 18-3 (tức dịp Lễ Khánh đản năm 2025).
Trong khi đó, Lễ hội đền Sóc năm 2025 (huyện Sóc Sơn) diễn ra từ ngày 3 đến 5-2 (tức ngày 6 đến 8 tháng Giêng). Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết, năm nay, Ban Tổ chức sẽ gắn các hoạt động tuyên truyền, quảng bá lễ hội với hoạt động trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm du lịch, ẩm thực; tổ chức các gian hàng giới thiệu, quảng bá văn hóa, di sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch Sóc Sơn và Hà Nội. Ban Tổ chức cũng nghiêm cấm tình trạng bán hàng rong, hàng giả, hàng kém chất lượng, các hoạt động cờ bạc trá hình. Trong phạm vi khu vực I của di tích, không bố trí hàng quán.
Tăng cường công tác quản lý và tổ chức
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 lễ hội, trong đó phần lớn diễn ra vào đầu xuân năm mới, số còn lại diễn ra trong năm. Vì thế, ngay từ đầu năm mới, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội bảo đảm cho người dân và du khách du xuân, tham dự lễ hội an toàn, văn minh.
Đánh giá công tác tổ chức, quản lý lễ hội những năm gần đây, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, hoạt động lễ hội ngày càng nền nếp. Các lễ hội diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, tiết kiệm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn", giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Năm 2024, các lễ hội tổ chức đều có kế hoạch, xây dựng chương trình cụ thể gắn với văn hóa và du lịch địa phương, không xảy ra sự cố đáng tiếc.
“Những năm gần đây, Hà Nội có thêm những lễ hội mới như: Lễ hội thiết kế sáng tạo, lễ hội ẩm thực… có sức thu hút lớn với người dân và du khách. Các lễ hội truyền thống và hiện đại đều trên tinh thần đổi mới, sáng tạo bảo đảm giữ gìn truyền thống nhưng vẫn mang đến không gian trải nghiệm hấp dẫn, văn minh”, ông Đỗ Đình Hồng nhận định.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã soạn dự thảo Kế hoạch về việc tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2025, trong đó đặt ra yêu cầu 100% các di tích và các lễ hội được tổ chức trong năm 2025 bảo đảm tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn - Tiết kiệm”. Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, các phương án bảo đảm an ninh, an toàn, không để việc tổ chức lễ hội biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi. Bên cạnh đó, các địa phương tích cực tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, thực hiện phòng, chống cháy nổ, tiết kiệm không phô trương, lãng phí, hình thức.
“Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình tiêu biểu thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm tăng cường tuyên truyền ứng xử văn minh trong lễ hội của người dân và du khách”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết.