Góc nhìn

Để công nghiệp bán dẫn "theo kịp, tiến cùng và vượt lên"

Hà Trang 10/01/2025 - 06:09

Ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá có vai trò rất quan trọng và đang trở thành trụ cột kinh tế hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thời gian qua, nhờ những nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi với chính sách ưu đãi thuế, các chương trình thúc đẩy đầu tư và sự ổn định địa chính trị, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các tập đoàn sản xuất điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, theo các chuyên gia, hiện Việt Nam không thiếu kỹ sư điện tử, công nghệ thông tin có trình độ, nhưng thiếu trầm trọng nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực bán dẫn. Bên cạnh đó, năng lực vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.

Thực tế, đang có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đặt cơ sở sản xuất vi mạch tại Việt Nam nhưng công nghệ, máy móc, trang thiết bị, mô hình tổ chức quản lý là của họ đem tới. Chúng ta chỉ tham gia ở giai đoạn cuối của quy trình sản xuất là kiểm thử và đóng gói. Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ lõi, công nghệ nền, chưa có nhiều phát minh, sáng chế làm nền tảng để có thể cạnh tranh với các nước công nghiệp phát triển trên thế giới trong lĩnh vực này…

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, mới đây ngày 6-1-2025, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 05/TB-VPCP kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Phiên họp thứ nhất ngày 14-12-2024. Trong Kết luận này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Muốn thúc đẩy tăng trưởng thì cùng với làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới...; đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, phát triển kinh tế sáng tạo để tạo ra lực lượng sản xuất mới, với tinh thần "theo kịp, tiến cùng và vượt lên".

Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính. Kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về quy trình, thủ tục đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép phòng cháy, chữa cháy, thị thực nhập cảnh, giấy phép lao động… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.

Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới, gắn với kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp tác trong nước, quốc tế; khơi thông, tận dụng mọi nguồn lực cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Phát huy sức mạnh của nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở đào tạo trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Sản xuất chất bán dẫn không chỉ cần có máy móc, thiết bị hiện đại, mà phải có con người hiểu biết và xử lý, tham gia vào các công đoạn. Do đó, chúng ta cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài; kết nối chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế...

Có như thế, chúng ta mới đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2024-2030, đó là quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 10-15%... Và tiến dần để đến giai đoạn 2040-2050, Việt Nam làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất với quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt 20-25%.