TP Hồ Chí Minh

Mức thưởng Tết năm 2025 cao nhất tại TP Hồ Chí Minh là hơn 1,9 tỷ đồng

Nguyễn Lê 09/01/2025 - 16:37

Mức thưởng Tết năm 2025 cao nhất tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc về một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), với hơn 1,9 tỷ đồng.

Chiều 9-1, tại họp báo về kinh tế - xã hội và các vấn đề dư luận quan tâm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mức thưởng Tết năm 2025 cao nhất thuộc doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, phát triển phần mềm, thương mại… Các doanh nghiệp quy mô nhỏ, sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.

Qua tổng hợp thông tin tại 1.570 phiếu khảo sát của doanh nghiệp về kế hoạch thưởng Tết năm 2025, cho thấy, tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2025 bình quân khoảng 3,4 triệu đồng/người, thấp hơn so với kết quả khảo sát của năm 2024 (4,7 triệu đồng/người). Tiền thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 bình quân khoảng 12,7 triệu đồng/người, cao hơn so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (12,3 triệu đồng/người).

Mức thưởng cao nhất thuộc về một doanh nghiệp FDI, với 1,9 tỷ đồng. Mức thưởng thấp nhất bình quân là 5,9 triệu đồng.

doanh-nghiep-fdi.jpg
Sản xuất của một doanh nghiệp FDI tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Có 737 doanh nghiệp (chiếm 47%) ngoài tiền thưởng Tết, còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực người lao động, như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón về quê ăn Tết, tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.

Qua công tác nắm bắt tình hình tiền lương, tiền thưởng, một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, kinh doanh bất động sản còn nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng chậm trả lương người lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các đoàn giám sát tại một số doanh nghiệp, ưu tiên chọn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng Tết; doanh nghiệp cắt giảm lao động; doanh nghiệp có nguy cơ nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội hoặc đã xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công trong năm 2024.