Khoảng 400.000 tấn rau được cung ứng cho thị trường Thủ đô dịp Tết Ất Tỵ
Ngày 9-1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Trong năm 2024, sản xuất nông nghiệp của thành phố gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Chi cục đã chủ động phối hợp với các đơn vị tham mưu kịp thời cho Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất trước, trong và sau bão. Cùng với đó, hỗ trợ phát triển sản xuất cây trồng vụ đông, góp phần khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Nhờ đó, sản xuất vụ đông đạt hơn 30.000ha và đang tiếp tục được gieo trồng thêm; trong đó diện tích hoa 2.544ha, diện tích rau các loại 13.828ha, sản lượng rau vụ đông đạt khoảng 400.000 tấn, đủ cung ứng thị trường Tết Nguyên đán năm 2025 trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa khoảng 3.244,19ha, trong đó chuyển sang cây hàng năm 682,67ha, chuyển sang cây lâu năm 1.337,64ha, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa 1.233,88ha. Về công tác bảo vệ thực vật, chi cục thường xuyên điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo chính xác các đối tượng sinh vật hại cây trồng; hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, hiệu quả; triển khai các chiến dịch diệt chuột tập trung bảo đảm hiệu quả, bảo vệ tốt cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, chi cục kiểm tra, giám sát 144 vùng trồng đã được cấp mã số; lấy 14 mẫu quả (nhãn, bưởi Diễn, cuối) tại vùng đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi phân dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kết quả các mẫu đều không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại ghi nhận và biểu dương những kết quả mà chi cục đạt được trong năm qua, năm 2025, chi cục cần làm tốt công tác tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội về sản xuất trồng trọt, chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất về thời vụ, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sinh vật hại trên các loại cây trồng. Cùng với đó, thực hiện kế hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa kém hiệu quả.
Chi cục cần rà soát cấp và quản lý mã số vùng trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp cho nông dân xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa. Mặt khác, đẩy mạnh thông tin, truyền thông về phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các cơ sở sơ chế, rau, quả chè. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật…