Đô thị

Khai thác hiệu quả các không gian nghệ thuật công cộng: Truyền cảm hứng cho ý thức gắn kết

Quỳnh Dương 09/01/2025 - 12:17

Không gian nghệ thuật công cộng không chỉ giúp nâng cao giá trị thẩm mỹ, định hình bản sắc của mỗi địa phương mà còn giúp làm mới hình ảnh đô thị, qua đó giúp tăng cường thu hút du lịch và đầu tư, nâng cao đời sống của người dân.

638711477697245018-1.jpg
Tác phẩm Cloud Gate tại thành phố Chicago (Mỹ).

Tại nhiều đô thị lớn trên thế giới, không gian nghệ thuật công cộng ngày càng được coi trọng. Chính quyền các địa phương phát triển không gian này theo ý tưởng đa dạng, từ việc kết hợp nghệ thuật công cộng với những không gian lịch sử, di sản, thiên nhiên để khơi gợi những lớp ý nghĩa mới, hoặc tạo nên những tác phẩm giúp tăng cường sự tương tác giữa không gian nghệ thuật và công chúng.

Một trong những tác phẩm nghệ thuật công cộng nổi tiếng trong thời gian gần đây là “Cloud Gate” (tạm dịch là Cổng mây) tại thành phố Chicago (Mỹ). Tác phẩm điêu khắc được nghệ sĩ người Ấn Độ Anish Kapoor chế tạo bằng hơn 100 tấn thép không gỉ và cao hơn 10m, trở thành điểm tham quan hấp dẫn nhất đối với du khách khi đến thành phố này - không chỉ bởi ý tưởng độc đáo, mà còn do tính tương tác cao với người xem. Dù trọng lượng nghe có vẻ nặng nề, song hình dáng hoàn thiện của tác phẩm lại giống như tên gọi, có thể khiến người ta liên tưởng tới sự mềm mại, trôi nổi của những đám mây. Theo nghệ sĩ Anish Kapoor, để tác phẩm thực sự sống động, khách tham quan phải soi vào nó ở nhiều góc độ khác nhau để khám phá một thế giới hoàn toàn mới.

Tại Qatar, “Village of the Sun” (Làng Mặt trời) của nghệ sĩ người Mỹ Rashid Johnson đặt tại Công viên Sân bay quốc tế Doha trên phố Al Matar đã được bình chọn là một trong những không gian nghệ thuật công cộng ấn tượng nhất thế giới năm 2024. Tác phẩm bao gồm 4 bức tường với nhiều hình ảnh từ trừu tượng đến hiện thực, tôn vinh lịch sử lâu đời của tranh khảm như một môn nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống, đồng thời tích hợp nó vào diễn ngôn của nghệ thuật đương đại.

Bà Sheikha Reem al-Thani (Bảo tàng Qatar - đơn vị đặt hàng tác phẩm) cho biết: “Việc ra mắt Làng Mặt trời là sự bổ sung thú vị cho môi trường nghệ thuật công cộng tại Qatar. Tác phẩm khảm độc đáo của Rashid Johnson mang đến chiều sâu và sự đồng điệu với các chủ đề phổ quát về bản sắc và nhân loại. Chúng tôi tự hào được hợp tác với một nghệ sĩ nổi tiếng như vậy, phong cách của nghệ sĩ phù hợp với tầm nhìn của Bảo tàng Qatar về việc tạo ra những không gian nghệ thuật thu hút và truyền cảm hứng cho cộng đồng”.

Tại Đông Nam Á, Singapore cũng là một quốc gia nổi tiếng với nhiều không gian nghệ thuật công cộng độc đáo như "A Great Emporium", “Big Bang”… Ngoài việc trưng bày các tác phẩm của một số tên tuổi trong thế giới nghệ thuật toàn cầu, Singapore còn tập trung vào việc bồi dưỡng thế hệ tài năng mới trong nước và khu vực, chuyên về mỹ thuật truyền thống cũng như đương đại, thử nghiệm. Trong nỗ lực thúc đẩy và nâng cao nghệ thuật đường phố, Singapore giao cho một nhóm nghệ sĩ nhiệm vụ tạo ra những bức tranh tường giàu trí tưởng tượng để làm mới những con hẻm khuất và những tòa nhà cũ kỹ ở Phố Tàu, Tiểu Ấn, Tiong Bahru, Katong-Joo Chiat và Kampong Gelam.

Theo một số nhà bình luận nghệ thuật, càng ngày các không gian nghệ thuật công cộng càng được thể hiện bởi những dự án có tầm nhìn xa, thúc đẩy sự tham gia của công chúng, khuếch đại tiếng nói đa dạng và đoàn kết cộng đồng. Thông qua sức mạnh biến đổi của nghệ thuật công cộng, những tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho sự kết nối, đối thoại và ý thức gắn kết.

Bà Felicity Fenner, Chủ tịch Hội đồng cố vấn nghệ thuật công cộng của thành phố Sydney (Australia) cho rằng, nghệ thuật công cộng là một loại hình nghệ thuật gắn với đô thị, với những không gian công cộng ngoài trời. Nó là sản phẩm đặc trưng của những đô thị có mối quan tâm và sự đầu tư vào những giá trị văn hóa chung, khơi gợi cảm thức tự hào về nơi chốn cho cộng đồng trong một thành phố. Ở một góc độ khác, khi được đặt trong những không gian với bối cảnh đặc biệt, nghệ thuật công cộng còn mang sứ mệnh hàn gắn những “vết thương” trong cộng đồng, như tưởng niệm người dân qua đời do khủng bố, thiên tai, dịch bệnh… Chính vì bao phủ một không gian rộng lớn nên một dự án nghệ thuật công cộng không đơn giản là sự sáng tạo của cá nhân, một nghệ sĩ, mà là tổng hòa của nhiều yếu tố - từ chính quyền địa phương, cảnh quan đến hội đồng giám tuyển và người dân.

Nói một cách khác, nghệ thuật công cộng đòi hỏi nhiều yếu tố tương tác với ngữ cảnh và địa hình cụ thể. Vì vậy, để một dự án hoặc một tác phẩm thực sự có ý nghĩa, đòi hỏi có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều bên, thông qua sự sáng tạo của người nghệ sĩ, khơi gợi nhiều lớp ý nghĩa thông qua cách người xem có thể tương tác với tác phẩm, hay trong cách tác phẩm đó đối thoại với không gian.