Đô thị

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị

Tuấn Lương 09/01/2025 - 06:13

Cùng với nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như chuẩn bị đầu tư, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi, nhằm từng bước hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch. Đây là “chìa khóa” để giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và góp phần kiến tạo một đô thị thông minh, văn minh, xanh, sạch và đáng sống.

duong-sat.jpg
Các đơn vị thi công đoạn đi ngầm của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Bám sát tiến độ

Những ngày này, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cùng các nhà thầu đang tập trung triển khai hạng mục đào hầm (gói thầu CP03 dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội).

Phó Trưởng ban MRB Nguyễn Bá Sơn cho biết, đến nay, tiến độ tổng thể dự án đạt 80,32%. Trong đó, đoạn trên cao dài 8,5km, từ ga S1 đến ga S8, đã hoàn thành, vận hành thương mại vào ngày 8-8-2024. Đối với đoạn tuyến đi ngầm, dài khoảng 4km, từ ga S9 đến ga S12 (gói thầu CP03), tiến độ công việc đạt 50,54% khối lượng. Được vận hành từ ngày 30-7-2024, đến nay, máy khoan hầm TBM số 1 đã khoan được 647m hầm, lắp đặt 431 vòng vỏ hầm. Máy khoan hầm TBM số 2 dự kiến sẽ vận hành trong tháng 1-2025. “Theo kế hoạch, hai ống hầm đào bằng máy TBM sẽ hoàn thành vào tháng 11-2025", ông Nguyễn Bá Sơn thông tin.

Sau khi hoàn thành việc đào hầm, hai máy TBM sẽ được tháo dỡ nhường lại mặt bằng cho các gói thầu thiết bị. Toàn bộ quá trình thi công, thử nghiệm sẽ phải hoàn thành vào năm 2027 theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, ngày 16-12-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang hoàn thiện các thủ tục huy động tư vấn chung hoàn chỉnh hồ sơ dự án, trình UBND thành phố phê duyệt.

Còn với các dự án chuẩn bị đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) tiếp nhận hồ sơ, tài liệu tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên); đang hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu dự án hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến 3.2 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai). Với tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), sau khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chuyển hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về thành phố để tiếp tục thực hiện theo thẩm quyền…

Xây dựng chính sách đặc thù, ưu tiên tối đa nguồn lực

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị là “chìa khóa” để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và góp phần kiến tạo một đô thị thông minh, văn minh, xanh, sạch và đáng sống. Vì thế, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là hoàn thành thi công đoạn ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội trong năm 2025 và sớm khởi động dự án tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

"Ban cùng các ban, ngành, địa phương phải đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn giao nhiệm vụ.

Về lâu dài, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, trình Quốc hội ban hành nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư tổng thể và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian chuẩn bị đầu tư, để triển khai nhanh các dự án. Đặc biệt, thành phố hoàn thiện các quy định quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng); phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu trong khu vực TOD; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị của thành phố theo Luật Thủ đô.

Các chuyên gia cũng kiến nghị thành phố tập trung ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho đường sắt đô thị, trong đó đầu tư công đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt, kết hợp đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức, phương thức đầu tư, như phương thức đối tác công - tư, để giảm áp lực huy động vốn từ nguồn ngân sách nhà nước.

“Từ nay đến năm 2035, Hà Nội phải xây dựng được ít nhất 200km đường sắt đô thị. Đây là thách thức đòi hỏi phải quyết tâm cao độ. Không chỉ chú trọng đến đầu tư dự án, các đơn vị chức năng cũng quan tâm đến việc vận hành dự án sau đầu tư, như chủ động đào tạo nhân lực và phấn đấu tự chủ về công nghệ. Đặc biệt là phát triển công nghiệp cơ khí và các dịch vụ hỗ trợ cho vận hành các tuyến đường sắt đô thị, từ đó giúp khai thác các nguồn lực trong nước và đường sắt đô thị trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp cho Thủ đô trong thời đại kinh tế số và tiến bộ của khoa học công nghệ”, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường kiến nghị.