Thế giới

WEF: Người lao động cần chủ động tích lũy kỹ năng để thích ứng yêu cầu mới

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 08/01/2025 - 15:28

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 8-1 nhận định, tiến bộ công nghệ, thay đổi nhân khẩu học, căng thẳng địa kinh tế và áp lực kinh tế đang định hình nghề nghiệp trên toàn cầu.

lnh00413.jpg
Người lao động cần chủ động tích lũy thêm kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới. Ảnh: Hoàng Linh.

Quan điểm được nêu ra trong Báo cáo Tương lai việc làm năm 2025 mà WEF công bố cùng ngày. Báo cáo được xây dựng dựa vào dữ liệu thu thập từ hơn 1.000 doanh nghiệp trên toàn cầu.

Theo báo cáo, nhu cầu về kỹ năng công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và an ninh mạng được nhận định sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, WEF cũng nhấn mạnh rằng, những kỹ năng của con người, như tư duy sáng tạo, khả năng khắc phục, năng lực lãnh đạo và hợp tác, tính linh hoạt và nhanh nhẹn, sẽ vẫn rất quan trọng. Theo WEF, sự kết hợp của hai nhóm kỹ năng này ngày càng quan trọng trong thị trường việc làm đang thay đổi nhanh chóng.

WEF cho rằng, năm 2030 là một thời điểm mang tính bước ngoặt với thị trường việc làm toàn cầu. Các công việc tuyến đầu, bao gồm công nhân nông trại, tài xế, nhân viên giao hàng, công nhân xây dựng... sẽ chứng kiến mức tăng trưởng việc làm lớn nhất.

Các công việc chăm sóc, chẳng hạn như chuyên gia điều dưỡng và các vai trò giáo dục, chẳng hạn như giáo viên trung học, cũng sẽ có động lực phát triển khi xu hướng nhân khẩu học thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu trong các lĩnh vực thiết yếu như vậy.

Trong khi đó, những tiến bộ trong AI, robot và hệ thống năng lượng - đặc biệt là trong năng lượng tái tạo và kỹ thuật môi trường - sẽ làm tăng nhu cầu về các vai trò chuyên môn sâu trong các lĩnh vực này.

AI định hình lại thị trường lao động cũng khiến những nghề nghiệp như thu ngân và trợ lý hành chính, nhà thiết kế đồ họa, nhân viên an ninh, tiếp viên trong lĩnh vực vận tải… giảm nhanh chóng.

Trong bối cảnh đó, khoảng cách kỹ năng tiếp tục là trở ngại đáng kể nhất đối với quá trình chuyển đổi kinh doanh để đáp ứng các xu hướng vĩ mô toàn cầu. Có tới 63% nhà tuyển dụng coi là đây rào cản chính đối với việc đảm bảo hoạt động và phát triển các tổ chức, doanh nghiệp trong tương lai.

Theo một ví dụ của WEF, nếu lực lượng lao động toàn cầu năm 2030 được đại diện bởi một nhóm 100 người, 59 người sẽ cần đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng, trong đó 11 người có thể không được đáp ứng yêu cầu này. Điều này có nghĩa là hơn 120 triệu công nhân có nguy cơ sa thải về trung hạn. Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, 41% lúc này có kế hoạch giảm lực lượng lao động vì AI có thể tự động hóa một số tác vụ nhất định.

Với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới nổi, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và người lao động sẽ cần phải làm việc cùng nhau để đảm bảo lực lượng lao động sẵn sàng đồng thời giảm rủi ro thất nghiệp trong các lĩnh vực và khu vực địa lý.

Thay đổi kinh tế, nhân khẩu học và địa kinh tế cũng được cho sẽ tác động lớn đến thị trường lao động. Chi phí sinh hoạt tăng cao là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi trong thị trường lao động. Theo WEF, dù lạm phát toàn cầu đã giảm bớt, áp lực giá cả và tăng trưởng kinh tế chậm sẽ thay thế tới 6 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2030.

Dân số già chủ yếu ở các nước có thu nhập cao thúc đẩy nhu cầu về vai trò chăm sóc sức khỏe và mở rộng dân số trong độ tuổi lao động ở các khu vực có thu nhập thấp thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành giáo dục.

Căng thẳng địa chính trị, các hạn chế thương mại và thay đổi chính sách công nghiệp cũng sẽ tạo ra những tác động lớn. WEF nhận định, áp lực từ những yếu tố này đang làm tăng nhu cầu đối với một số kỹ năng của người lao động, như an ninh mạng.

Nhìn chung, WEF cho rằng thế giới cần có những biện pháp phù hợp để xây dựng được lực lượng lao động phù hợp, có thể ứng phó kịp thời các thay đổi sâu rộng về kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh tới sự cần thiết phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và giáo dục.