Chi trả hơn 256 tỷ đồng tiền bản quyền tác giả âm nhạc trong năm 2024
Trong năm 2024, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thu hơn 393 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, tăng 14,2% so với năm 2023; đồng thời, tiến hành phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc hơn 256 tỷ đồng.
Ngày 8-1, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tổng kết hoạt động năm 2024, công bố số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc; số tiền phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc.
Trong khoản thu 393 tỷ đồng trong năm 2024, thu trên website, ứng dụng nhạc nhiều nhất, đạt trên 305 tỷ đồng; thu từ biểu diễn, hòa nhạc trực tiếp đạt hơn 12,7 tỷ đồng; thu từ sao chép demo, trực tuyến đạt gần 16,5 tỷ đồng; tiền bản quyền từ quốc tế đạt gần 17 tỷ đồng...
Về các vấn đề trong công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, năm qua, thị trường biểu diễn nghệ thuật trong nước khá sôi động, đặc biệt với sự xuất hiện của các show diễn quốc tế dù quy mô chưa lớn.
Tuy nhiên, số tiền bản quyền thu được trong lĩnh vực biểu diễn, hòa nhạc giảm so với năm 2023 là do còn nhiều chương trình vẫn tìm cách né tránh trả tiền bản quyền, viện cớ thỏa thuận để gây chậm trễ, khó khăn, áp đặt mức giá không phù hợp, cố ý tìm mọi cách để vô hiệu hóa quyền định đoạt tài sản, quyền độc quyền của tác giả.
Điển hình là các show diễn của Lululola tại Lâm Đồng; Mây Lang Thang tại nhiều địa phương như: Lâm Đồng, Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Một số chương trình âm nhạc quốc tế, như các sự kiện của Công ty TNHH TJ Communications và Công ty TNHH Âm nhạc IME, đã không trả tiền bản quyền, buộc VCPMC phải khởi kiện. Đồng thời, VCPMC cũng hợp tác với tổ chức bản quyền Hàn Quốc (KOMCA) để xử lý các trường hợp vi phạm và yêu cầu các đơn vị tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền…
Về lĩnh vực phát sóng, phát thanh - truyền hình, nguồn thu từ nhóm này vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm khoảng 2% tổng thu bản quyền và có xu hướng giảm 21% so với năm trước. Nguyên nhân chính là nhiều đơn vị chưa thống nhất áp dụng biểu mức phí theo quy định và chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Trong năm 2024, một số lĩnh vực tiền bản quyền thu được tăng so với năm 2023 là sao chép demo, sao chép trực tuyến; website, ứng dụng nhạc; nhà hàng, quán cà phê; khách sạn, trung tâm thương mại; làm tác phẩm phái sinh; sao chép trong phim ảnh…
Cũng theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, năm qua, đơn vị này đã khảo sát, thu thập tài liệu, chứng cứ, khởi kiện ra tòa nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả, điển hình ở lĩnh vực sử dụng quyền biểu diễn, quyền sao chép. Đến nay, bộ phận pháp chế 2 miền đã thực hiện 79 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; hiện đã giải quyết xong 34 vụ, còn lại đang trong quá trình giải quyết.
Ngoài ra, còn nhiều vụ việc đang được trung tâm thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý vi phạm. VCPMC cũng thường xuyên phối hợp với tác giả rà soát, cảnh báo để thu, truy thu các trường hợp link, kênh vi phạm quyền tác giả âm nhạc trên môi trường trực tuyến...
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của VCPMC trong năm 2024 để bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.
Nhận định, vấn đề bản quyền là “trái tim của văn hóa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn mong muốn VCPMC tiếp tục phát huy vai trò trong việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, đóng góp phát triển công nghiệp bản quyền, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nghệ thuật Việt Nam...