Thế giới

Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) bước vào năm 2025: Hướng đến thiết lập một thế giới đa cực

Hoàng Linh 04/01/2025 06:34

Những ngày đầu năm 2025, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã có bước tiến mới, tiếp tục khẳng định nguyên tắc nền tảng của tổ chức bao gồm tôn trọng con đường phát triển, quan tâm tới lợi ích chung, cởi mở, đồng thuận, mong muốn thiết lập một trật tự quốc tế đa cực và hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu công bằng hơn.

brics-mo-ra-co-hoi-hoi-nhap-kinh-te-toan-cau-cho-nhieu-nen-kinh-te-trong-do-co-nhung-quoc-gia-dang-chiu-lenh-cam-van-nhu-cuba..jpg
BRICS mở ra cơ hội hội nhập kinh tế toàn cầu cho nhiều nền kinh tế, trong đó có những quốc gia đang chịu lệnh cấm vận như Cuba.

Năm 2025 đánh dấu việc Brazil tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên của BRICS với chủ đề "Tăng cường hợp tác ở Nam bán cầu để quản trị toàn diện và bền vững hơn”. Ngày 1-1, Brazil đã công bố biểu tượng BRICS 2025.

Theo lịch trình, nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS 2025 của Brazil sẽ có gần 200 sự kiện được tổ chức tại thủ đô Brasilia và thành phố Rio de Janeiro, trong đó nổi bật là Hội nghị Thượng đỉnh BRICS (tổ chức tại Rio de Janeiro).

Chia sẻ về những mục tiêu trong nhiệm kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia cho biết, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là những ưu tiên trong chương trình nghị sự năm 2025 của Chủ tịch BRICS. Trong đó, vấn đề khí hậu được đặc biệt quan tâm vì Brazil cũng là nước đăng cai Hội nghị lần thứ 30 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30) trong năm 2025. Thúc đẩy công tác quản lý AI cũng rất cấp thiết với BRICS bởi thế giới chưa có cơ chế quản lý cụ thể nào.

Một số khía cạnh khác cũng được thúc đẩy song song trong năm nay là mở rộng hơn nữa hợp tác liên ngân hàng, thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong hoạt động thương mại giữa các nước thành viên, qua đó nâng cao vai trò của BRICS trong hệ thống tiền tệ quốc tế và cải cách hệ thống quản trị toàn cầu.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch Brazil cũng là lúc BRICS có thêm hàng loạt thành viên đối tác. Từ ngày 1-1, các nước như Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Cuba, Malaysia, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan chính thức gia nhập BRICS với tư cách quốc gia đối tác.

Trong số này, sự góp mặt của Cuba gây chú ý, bởi việc hợp tác với BRICS được giới quan sát cho là cơ hội để đảo quốc Caribbean vượt qua các lệnh phong tỏa kinh tế kéo dài. Chưa hết, khả năng giao dịch bằng đồng nội tệ trong BRICS cũng cho phép Cuba giảm phụ thuộc vào đồng USD, đồng thời mở ra các luồng thương mại mới. Bình luận về diễn biến này, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel khẳng định, BRICS đã mang lại hy vọng lớn cho các quốc gia ở Nam bán cầu trong cuộc đấu tranh “vì một trật tự quốc tế công bằng và dân chủ hơn”.

Với các thành viên đối tác mới, BRICS lúc này đã chiếm một nửa dân số thế giới và 41% nền kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiều ý kiến cho rằng, việc BRICS luôn nhận được sự quan tâm lớn và nhanh chóng có thêm nhiều đối tác là xu hướng tất yếu. Động lực chính nằm ở việc BRICS không đề cao ý thức hệ và luôn mở rộng cửa, hoan nghênh các nước đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế thế giới, qua đó đem tới cơ hội để các nước thể hiện sự chủ động, đồng thời tham gia thực chất hơn trong việc đưa ra các quyết định mang tính toàn cầu.

BRICS được thành lập vào năm 2006 với 4 nền kinh tế mới nổi lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Đến năm 2010, khối kết nạp thêm Nam Phi, trở thành khối có 5 quốc gia thành viên. Hội nghị cấp cao lần thứ 16 của khối vào tháng 10-2024 đã có sự góp mặt của gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có đại diện các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latin, cũng như người đứng đầu các tổ chức quốc tế. Đó là chưa kể lúc này đang có hơn 20 quốc gia bày tỏ sự quan tâm thiết lập quan hệ hợp tác với BRICS.

Bình luận về xu hướng mở rộng nhanh chóng của BRICS, nước Chủ tịch Brazil bày tỏ ủng hộ tiếp nhận thêm thành viên, trong đó nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc thúc đẩy các quốc gia đối tác hội nhập hài hòa vào hoạt động chung của BRICS, đặc biệt là tham gia thường xuyên các phiên họp và sự kiện cấp cao.

Có thể thấy, với lộ trình phát triển tích cực và liên tục kết nạp thêm nhiều thành viên mới, BRICS đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế toàn cầu. Đây cũng là lý do, BRICS có thể định hình cấu trúc tương lai của toàn thế giới, là yếu tố quan trọng trong bối cảnh xung đột địa chính trị đang diễn ra ngày càng gay gắt.