Thể thao

Thể thao Việt Nam năm 2025: Đột phá từ đâu?

Minh An 04/01/2025 - 06:13

Năm 2025 là năm đầu tiên thể thao thành tích cao Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 với hàng loạt mục tiêu quan trọng.

Tuy nhiên, để tạo ra bước phát triển mạnh mẽ, cần chọn ra được điểm đột phá phù hợp.

the-thao.jpg
Đội tuyển karate quốc gia tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Ảnh: Vũ Sơn

Tiềm năng con người là không thiếu

Cách đây ít ngày, các lực sĩ Việt Nam tham dự Giải vô địch cử tạ trẻ và thiếu niên châu Á 2024 tại Qatar, đã đứng đầu ở bảng tổng sắp huy chương lứa tuổi thiếu niên với 11 Huy chương vàng (HCV). Ở bảng tổng sắp huy chương lứa tuổi trẻ, cử tạ Việt Nam xếp hạng ba với 9 HCV - sau Kazakhstan (12 HCV), Uzbekistan (10 HCV).

Dù ở giải đấu trên, các lực sĩ của Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên không tham dự nhưng với giới chuyên môn, thành tích nói trên cho thấy tiềm năng của cử tạ Việt Nam - một trong 17 môn thể thao trọng điểm được đầu tư mạnh tay từ năm 2025 (cùng với bơi, điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, boxing, taekwondo, xe đạp, cầu lông, bắn cung, judo, vật, đua thuyền - thuộc nhóm môn Olympic; wushu, cầu mây, karate - nhóm môn ASIAD).

Đây cũng là những môn được kỳ vọng giúp thể thao Việt Nam hoàn thành các mục tiêu tại Olympic, ASIAD, SEA Games như Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đã đặt ra, trong đó đến năm 2045, Việt Nam thường xuyên trong nhóm 2 đoàn dẫn đầu ở SEA Games, trong nhóm 15 đoàn dẫn đầu ASIAD và trong nhóm 50 đoàn dẫn đầu Olympic.

Mục tiêu được đưa ra dựa trên cơ sở tiềm năng con người ở những môn thể thao nói trên thực sự phong phú. Theo Trưởng bộ môn wushu (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Phan Quốc Vinh, nếu phát huy tối đa tiềm năng thì VĐV Việt Nam có thể đua tranh sòng phẳng tấm HCV ở nhiều nội dung wushu tại các giải đấu thế giới, châu lục.

Còn nguyên Trưởng bộ môn cử tạ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Hoàng Kim Cúc cũng nhận định rằng, tố chất của người Việt Nam phù hợp với nhiều các hạng cân nhỏ của môn cử tạ. Vấn đề không phải là tìm ra VĐV bởi nguồn VĐV khá phong phú, mà quan trọng hơn là đầu tư cho các VĐV như thế nào.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cũng cho rằng, cần có sự đầu tư thực chất, từ khâu tuyển chọn lực lượng tới công tác đào tạo, tập huấn, thi đấu để VĐV của 17 môn trọng điểm phát triển tốt nhất.

Mới đây, bên lề hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Cục TDTT, Cục trưởng Đặng Hà Việt khẳng định rằng, 2025 là năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

“Tính từ nay tới năm 2045, thể thao Việt Nam sẽ trải qua 5 kỳ Olympic, 6 kỳ ASIAD và 11 kỳ SEA Games. Việc đầu tư cụ thể cho các môn trọng điểm phải thực sự tạo ra sự khác biệt, tìm điểm đột phá chứ không dàn trải” - Cục trưởng Đặng Hà Việt nói.

Xóa bỏ mối lo “cái khó bó cái khôn”

Không kể kinh phí thi đấu quốc tế từ nguồn ngân sách không đủ để đáp ứng yêu cầu nâng tầm cho VĐV các môn trọng điểm, ngay ở một số vấn đề khác, Cục TDTT dù biết nhưng cũng không thể “gỡ vướng” được ngay. Điều đó có thể ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thực hiện các mục tiêu thể thao thành tích cao từ nay đến năm 2045.

Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho rằng, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ tập luyện, dinh dưỡng cho VĐV tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia - nơi phục vụ hầu hết các đội tuyển quốc gia - đang là vấn đề nan giải. Trong 4 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, chỉ có Trung tâm tại thành phố Hồ Chí Minh được trang bị hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện được coi là tạm được. Trong khi đó, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để định lượng dinh dưỡng cho VĐV ở từng môn cũng chưa thể áp dụng do khó khăn cả về nguồn lực và nguồn nhân lực. Đội ngũ nhân viên y tế ở mỗi trung tâm không thể đáp ứng nhu cầu hồi phục, chữa trị của từng đội tuyển.

Không chỉ các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia mà cả các địa phương, trong đó có Hà Nội, cũng “nghẽn” ở điểm này. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội không có hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện, đội ngũ nhân viên y tế chỉ có vài người phục vụ cho khoảng 3.000 VĐV... Mà đây lại là một trong những yếu tố quyết định để nâng thành tích của VĐV - bên cạnh việc đi tập huấn, thi đấu quốc tế liên tục. Đôi khi, việc đưa VĐV đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài, tại những nơi có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hồi phục tốt, thực sự chú trọng về khâu dinh dưỡng cho VĐV... một phần cũng là để khắc phục “điểm nghẽn” nói trên.

Cục TDTT kỳ vọng rằng, trong năm 2025 sẽ tạo ra được tín hiệu khởi sắc hơn nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, qua đó duy trì thành tích ổn định ở Olympic, ASIAD thay vì trồi sụt như thời gian qua - rõ nhất là việc “trắng” huy chương trong 2 kỳ Olympic gần đây sau khi giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio năm 2016. Như vậy, về hướng đầu tư cho các đội tuyển trọng điểm, một trong những khâu đột phá đầu tiên chính là nâng cao khả năng đáp ứng điều kiện phục vụ VĐV tập luyện, hồi phục, thi đấu tốt; có chế độ dinh dưỡng phù hợp với đặc thù của từng môn.