Cứ ngỡ cái với cái trời đất như vậy đám cây bàng trên phố chẳng thể tự nhuộm đỏ lá để đánh dấu sự chuyển mùa. Nhưng rồi, bỗng mấy ngày tuần đầu năm mới 2025, nhiều cây bàng trên các tuyến phố Hà Nội bắt đầu đua nhau bung “lửa”…
Cây bàng có tên khoa học là Terminalia catappa, thuộc họ trâm bầu. Bàng thuộc loại cây thân gỗ lớn sinh trưởng tại các vùng nhiệt đới. Cây bàng có thể cao tới 35m, các tán lá thẳng, đối xứng mọc trên các cành ngang. Cây càng già, tán lá càng phẳng dần tạo thành hình cái bát trải rộng. Ở các khu vực nhiệt đới trong đó có Việt Nam, cây bàng cùng với cây bằng lăng là hai loại được trồng khá nhiều tại vỉa hè và công viên để lấy bóng râm nhờ tán bàng rất lớn và rậm. Bàng được trồng ở nhiều nơi, từ lâu đã được coi là hình ảnh gắn với Thủ đô. Nhưng nay các phố cũng thưa vắng dần. Bây giờ thì có nhiều loại cây bàng nhập ngoại, nhất là bàng Đài Loan, lá nhỏ, nhiều tán, cây thẳng khá đẹp, nhưng với người Hà Nội, nhất là dân phố cổ vẫn thích bàng lá to, cây không chỉ đem lại bóng mát mà còn gắn bó tuổi thơ bao người với một thời trèo sấu, hái bàng. Mùa bàng lá đỏ thường rất ngắn, đôi khi phụ thuộc nhiều vào những đợt gió mùa Đông Bắc. Chiều hôm trước, cả phố còn đỏ rực sắc lá khi hoàng hôn buông. Đêm gió, mưa ào qua, sáng ra đường đã ngập lá. Bàng "thay áo" thường vào thời điểm cuối tháng 12, đầu tháng 1. Từ sắc xanh chuyển vàng, mới ngày nào chỉ vài ba chiếc lá, bỗng đột ngột cả tán cả cây ngả vàng, rồi sang đỏ rực, cuối cùng đỏ sẫm trước khi trút những chiếc lá cuối cùng xuống phố. Đó cũng là dấu hiệu chuẩn bị hết mùa đông lạnh giá, chuẩn bị Tết đến xuân về, cây cối đâm chồi nảy lộc. Những lúc ngắm lá bàng rơi bảng lảng, khiến nhiều người chợt nhớ đến bài thơ: “Khi cây bàng đỏ lá” của nhà thơ Đinh Thường: Cây bàng đỏ lá mùa đông/Chạm vào khắc khoải tuổi hồng ngày xanh/Con chim thương khẳng khiu cành/Tràn đông, buông tiếng mong manh gợi buồn...