Chăn nuôi “đón sóng” thị trường cuối năm
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt gia súc, gia cầm tăng cao. Nắm bắt được điều này, các hộ chăn nuôi, hợp tác xã… trên địa bàn thành phố đã tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, chuẩn bị cung cấp nguồn cung thực phẩm lớn cho thị trường cuối năm.
Bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết
Xác định dịp cuối năm nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng cao và đây cũng là đợt tiêu thụ lớn nhất trong năm, nên ngay từ đầu tháng 9-2025, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) đã tập trung tái đàn và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đàn lợn phát triển nhanh, khỏe, hạn chế dịch bệnh phát sinh.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Thọ Nguyễn Hưng Thỉnh, hiện hợp tác xã đang nuôi khoảng 200 con lợn, trong đó có 100 con đang chuẩn bị xuất chuồng. Mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 10 con (tương đương 1,3-1,4 tấn/ngày) với giá 65.000 đồng/kg. Dự kiến, trong tháng Chạp, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, hợp tác xã cung cấp khoảng 20 con lợn/ngày (tương đương 2,6-2,8 tấn/ngày). Đây là thời điểm thuận lợi cho người chăn nuôi đầu tư, vì thức ăn chăn nuôi đã giảm khoảng 20% so với thời điểm giá tăng cao. Nếu thị trường lợn hơi tiếp tục ổn định ở mức cao như hiện nay, thì người chăn nuôi yên tâm đầu tư.
Hiện Hà Nội cơ bản đáp ứng được nhu cầu về thịt lợn, gia cầm và các loại thực phẩm khác của người dân. Đối với sản phẩm thịt bò, do chưa bảo đảm đủ nguồn cung tiêu dùng, nên Hà Nội đã chủ động ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố để cung ứng các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn cho người dân Hà Nội, không để thiếu hụt thực phẩm trong dịp Tết.
Tại Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm (Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội - Hadico) thường xuyên nuôi khoảng 10 vạn con gà Mía sinh sản. Hằng năm, xí nghiệp cung cấp khoảng 1 triệu con giống gà bố mẹ 1 ngày tuổi và khoảng 3 triệu con gà thương phẩm Mía cho các vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố, như: Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh... Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Nguyễn Duy Vụ thông tin, dịp Tết Nguyên đán này, xí nghiệp cung cấp cho thị trường khoảng 2,3 triệu con gà Mía thương phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không lo thiếu hụt sản phẩm gia cầm.
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 2, 3 xảy ra vào tháng 9 và tháng 10-2024, song với nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Nông nghiệp cùng sự chủ động của người dân, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Hiện tại, chăn nuôi trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, đàn trâu hiện có 29,5 nghìn con, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 124,7 nghìn con, giảm 2,3%. Chăn nuôi lợn tiếp tục có xu hướng tăng đàn, số lượng lợn hiện có ước đạt 1,47 triệu con, tăng 0,1% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 42,4 triệu con, tăng 1,1% (đàn gà 28,4 triệu con, tăng 1,5%). Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, với gần 10 triệu dân cư trú thường xuyên cùng hàng triệu khách du lịch mỗi năm, Hà Nội là một trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Trong bối cảnh sức tiêu thụ dịp cuối năm có thể tăng 20-30%, Hà Nội đã chủ động chuẩn bị nguồn nông sản, không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ.
Giám sát chặt chẽ dịch bệnh
Dự báo thị trường tiêu thụ cuối năm có nhiều khởi sắc, là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi đẩy mạnh tăng đàn. Song, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong những tháng cuối năm cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, các chi phí sản xuất (giá thức ăn chăn nuôi, con giống, thuốc thú y…), giá thịt gia súc, gia cầm có nhiều biến động. Đặc biệt, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng việc quan tâm, sử dụng vắc xin còn hạn chế…
Việc cấp bách hiện nay của ngành Nông nghiệp Hà Nội là kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để giảm thiểu rủi ro của ngành chăn nuôi. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Sở phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo bà con cần cẩn trọng trong phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, theo sát diễn biến của thị trường, dự báo khả năng tiêu thụ để xác định quy mô tái đàn, tăng đàn phù hợp, bảo đảm hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, triển khai những giải pháp thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất nông hộ nhỏ, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp tổng hợp và hài hòa các giải pháp kiểm soát dịch bệnh; sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, tiết kiệm đầu vào, nâng cao chất lượng đầu ra.
Thúc đẩy sử dụng phế phụ phẩm của ngành trồng trọt, lâm nghiệp, chế biến thủy sản để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và sử dụng chất thải chăn nuôi sản xuất phân bón cho cây trồng, tạo nên tuần hoàn của ngành chăn nuôi theo tiêu chí bền vững, an toàn thân thiện với môi trường. Thời điểm cuối năm, thường xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sự phát triển của vật nuôi, vì vậy, các hộ chăn nuôi cần cân đối các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất... để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi; chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin theo đúng quy định, góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường.