Văn hóa

Sân khấu tuồng quảng bá văn hoá, du lịch Thủ đô

Minh An 03/01/2025 - 14:16

Chương trình “Biểu diễn nghệ thuật gắn với không gian phố cổ”do Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện và trình diễn vừa qua đã thu hút nhiều khán giả và du khách tới xem. Đây là dự án do Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch thực hiện nhằm quảng bá văn hoá, du lịch góp phần cho phát triển công nghiệp văn hoá trong thời gian tới.

Hai hoạt động chính của chương trình bao gồm hoạt động tương tác tại sảnh và biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu. Khán giả được hoà mình vào không gian nghệ thuật bằng nhiều giác quan: được ngắm những bộ trang phục biểu diễn cùng các loại đạo cụ, nhạc cụ truyền thống khác nhau; nghe về lịch sử và quá trình phát triển của tuồng cũng như được hiểu thêm về loại hình sân khấu đặc biệt này.

548-202501031234551.jpg
Ban thờ Tổ nghề ( Ảnh: Minh An)
548-202501031234552.jpg
Giới thiệu một số nhạc cụ truyền thống được sử dụng trong nghệ thuật Tuồng. Xuyên suốt chương trình, khán giả tham dự không chỉ được chiêm ngưỡng và hoà mình vào không gian nghệ thuật được bài trí tinh tế, tỉ mỉ, mà còn được thưởng thức những trích đoạn tiêu biểu của nghệ thuật biểu diễn Tuồng. ( Ảnh: Minh An)

Ngoài ra, trước khi bắt đầu biểu diễn, chương trình cũng đã có màn giới thiệu các nhân vật có mặt trong vở như: nhân vật Tạ Ôn Đình, nhân vật Khương Linh Tá, nhân vật Đổng Kim Lân và Lôi Phong. Mỗi nhân vật đều được miêu tả chi tiết từ ngoại hình cho tới tính cách.

548-202501031234553.jpg
Nhân vật Khương Linh Tá có đặc trưng mặt xanh, râu ba chỏm ( Ảnh: Minh An)

Chương trình do đạo diễn Nguyễn Việt Yên cùng ekip của nhà hát Tuồng Việt Nam sáng tạo và tập luyện kỹ lưỡng. Tại buổi diễn, 2 trích đoạn “Ôn Đình chém Tá”và “Kim Lân qua đèo” đã chạm được tới cảm xúc của người xem. Mỗi trích đoạn là một câu chuyện được các nghệ sĩ thể hiện một cách chân thực, kết hợp với âm nhạc cùng hiệu ứng ánh sáng, sân khấu đẹp mắt, độc đáo. Khán giả sẽ được xem những kỹ thuật biểu diễn tuồng đặc trưng như: múa giáo, tay khai, chân co, các tổ hợp múa bắt ngựa,…

Trích đoạn “ Ôn Đình chém Tá” xoay quanh các nhân vật Khương Linh Tá, Tạ Ôn Đình và Đổng Kim Lân. Linh Tá và Kim Lân là hai trung thần mẫu mực, khi bọn gian thần cướp ngôi vua, Kim Lân đã hộ tống thứ phi cùng ấu chúa đi lánh nạn, còn Linh Tá ở lại ngăn chân quân giặc. Do thế cô lực mỏng, Linh Tá đã bị Ôn Đình chém rơi đầu rồi hoá thành ngọn đuốc.

Trong khi đó, trích đoạn “Kim Lân qua đèo” là sự tiếp nối của “Ôn Đình chém Tá”. Khi Kim Lân đưa thứ phi cùng hoàng tử đi lánh nạn, do bị giặc truy đuổi gấp, trong lúc đánh nhau, Kim Lân lạc mất thứ phi. Giữa rừng sâu núi thẳm, một người một ngựa đã sức cùng lực kiệt, bỗng có một ngọn đuốc dẫn đường chỉ lối cho Kim Lân thoát khỏi rừng. Ngọn đuốc ấy chính là do Linh Tá hoá thành. Tuy đã chết, nhưng tấm lòng trung trinh vì nghĩa lớn, vì tình bạn son sắt, đã đưa Kim Lân cùng hoàng tử thoát nạn.

548-202501031234554.jpg
Cảnh đặc sắc tạo nên tên trích đoạn “Ôn Đình chém Tá” ( Ảnh: Minh An)
548-202501031234555.jpg
Nhân vật Kim Lân sau khi đã được linh hồn của Linh Tá dẫn khỏi rừng sâu ( Ảnh: Minh An)

Đạo diễn Nguyễn Việt Yên chia sẻ về lý do chọn hai trích đoạn “ Ôn Đình chém Tá” và “Kim Lân qua đèo” cho chương trình này vì đây là hai vở tuồng kinh điển, mẫu mực nhất trong nghệ thuật tuồng truyền thống. Những chi tiết được giữ theo bản gốc và được trau chuốt lại. “Rất đáng mừng là khán giả đến xem chương trình phần lớn là các bạn trẻ vì yêu nghệ thuật truyền thống mà tìm đến. Chúng tôi luôn tâm niệm, văn hoá truyền thống là gốc gác của mọi sự sáng tạo. Mong rằng, trong tương lai, giới trẻ sẽ quan tâm và tìm hiểu nhiều hơn về văn hoá truyền thống dân tộc”, đạo diễn Nguyễn Việt Yên cho biết.

548-202501031234556.jpg
Các nghệ sĩ chụp ảnh cùng khán giả khi kết thúc chương trình ( Ảnh: Minh An)

Đầu năm 2025, Nhà hát Tuồng Việt Nam có kế hoạch bán vé chương trình nghệ thuật, tần suất vào khoảng từ 1-4 buổi/ 1 tháng để phục vụ khách du lịch cũng như các khán giả yêu thích bộ môn tuồng.