Giao thông

Xử lý các điểm ùn tắc giao thông tại Hà Nội:Kết hợp giải pháp trước mắt và lâu dài

Tuấn Lương 03/01/2025 - 06:14

Năm qua, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại thời điểm đầu năm 2024, toàn thành phố có 33 điểm ùn tắc trong giờ cao điểm.

Trong năm, các cơ quan chức năng đã xử lý được 13/33 điểm nhưng lại phát sinh 16 điểm, nâng tổng số thành 36 điểm ùn tắc. Để xử lý triệt để tình trạng này, cơ quan chức năng thành phố đã, đang thực hiện các giải pháp trước mắt kết hợp với giải pháp căn cơ, lâu dài.

un-tac.jpg
Tuyến đường Nguyễn Trãi có lưu lượng phương tiện vượt gấp 2,5-3,2 lần thiết kế. Ảnh: Lê Khánh

Vật lộn với giao thông

Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (phường Sài Đồng, quận Long Biên) đều phải qua cầu Vĩnh Tuy để đi làm tại trụ sở cơ quan trên đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng). Hầu như ngày nào cũng vậy, chị luôn phải vật lộn trong dòng xe máy, ô tô di chuyển chậm chạp theo lối dẫn từ cầu Vĩnh Tuy xuống đến hết đường đê Nguyễn Khoái.

“Thêm cầu Vĩnh Tuy mới, giao thông trên cầu thông thoáng nhưng đường đê Nguyễn Khoái lại quá nhỏ, khó tải được dòng phương tiện đổ dồn, trở thành “điểm nghẽn”, khiến việc đi lại rất vất vả”, chị Bích Tuyền chia sẻ.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều tuyến đường, nút giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, nhất là vào khung giờ cao điểm. Ở thời điểm đầu năm 2024, toàn thành phố có 33 điểm ùn tắc giao thông. Tính đến hết tháng 11-2024 đã xử lý được 13/33 điểm nhưng lại phát sinh 16 điểm, nâng tổng số thành 36 điểm ùn tắc. Trong đó, có 8 điểm do rào chắn phục vụ thi công công trình; 28 điểm do chậm triển khai đầu tư dự án theo quy hoạch và quá tải kết cấu hạ tầng giao thông.

Đáng chú ý, có các nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung; nút giao trên đường Trần Nhật Duật (cửa khẩu Chương Dương Độ); ngã tư Trần Phú - Thanh Bình - Phùng Hưng (cầu Trắng - Hà Đông)… và các trục đường Nguyễn Trãi; Láng (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy); các lối lên, xuống đường Vành đai 3 trên cao; đường đê Nguyễn Khoái (đoạn từ Trần Khát Chân đến cầu Vĩnh Tuy)…

“Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch. Một số đoạn, tuyến đường chưa hoàn chỉnh, trở thành nút thắt cổ chai gây ra ùn tắc cục bộ. Mật độ dân cư lớn, tốc độ tăng dân số cơ học cao. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân khoảng 4-5%/năm, gấp 10 lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (khoảng 0,35%/năm), làm cho mật độ giao thông trên nhiều tuyến vượt quá lưu lượng thiết kế… Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đô thị vốn được coi là phương tiện di chuyển “xương sống” trong đô thị vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới chỉ có 2 tuyến được đưa vào khai thác... Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới chỉ đạt 19,5%”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo thông tin.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nhằm ứng phó với ùn tắc, thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố đã nỗ lực thực hiện các giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an thành phố thành lập 5 tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, như: Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhằm điều tiết lưu lượng, điều chỉnh pha đèn phù hợp với lưu lượng phương tiện; rà soát các bất cập tại các nút giao có mật độ giao thông cao để điều chỉnh tổ chức giao thông; sắp xếp, bố trí lại các điểm dừng, đỗ xe buýt một cách hợp lý… Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng đã huy động lực lượng bố trí chốt trực, hướng dẫn giao thông tại 143 vị trí…

Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Lê Hữu Hồng cho biết, để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, Ban đã tập trung rà soát, triển khai các dự án xén hè, dải phân cách nhằm mở rộng tối đa mặt đường, tăng diện tích đất dành cho giao thông; định kỳ duy tu, sửa chữa mặt đường bảo đảm giao thông êm thuận. Ngay trong tháng 12-2024 vừa qua, Ban đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung hoàn thành công tác duy tu, sửa chữa một số hạng mục trên cầu Thanh Trì như sơn gờ giảm tốc, lắp đặt dải phân cách mềm ngăn cách giữa ô tô và xe máy; lắp biển hạn chế tốc độ xe máy từ 50km/giờ xuống còn 40km/giờ… Nhờ đó, số vụ va chạm giao thông trên cầu giảm, phương tiện lưu thông thuận lợi nên tình trạng ùn tắc cũng được hạn chế đáng kể.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo khẳng định, các giải pháp nói trên mới chỉ là tạm thời. Để giải quyết tình trạng ùn tắc một cách hiệu quả, bền vững cần phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp mang tính lâu dài, trong đó tập trung ưu tiên vào giải pháp cốt lõi là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông và quản lý nhu cầu giao thông.

Cùng với đó, tăng mức xử phạt và tăng cường phạt “nguội” nhằm điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông (đặc biệt là xe máy); đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; phát triển vận tải hành khách công cộng; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông…

Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) ngày 2-1 cho biết, sau 24 giờ ra quân kiểm tra xử lý vi phạm giao thông theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP với mức phạt “tăng nặng” cho các hành vi vi phạm cơ bản, thành phố đã xử phạt 594 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền 1.671.825.000 đồng, tạm giữ 189 phương tiện, 385 bộ giấy tờ, tước 19 giấy phép lái xe.

Qua phân tích các lỗi vi phạm chủ yếu vượt đèn đỏ 62 trường hợp, đi vào đường cấm ngược chiều 20 trường hợp, vi phạm tốc độ 18 trường hợp, dừng đỗ sai quy định 72 trường hợp, vi phạm về nồng độ cồn 138 trường hợp và không đội mũ bảo hiểm 237 trường hợp…