Dùng “công nghệ ảo” lừa đảo xin việc
Ngày 2-1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Lưu Thị Nhung (sinh năm 1988; trú ở xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, năm 2021, Lưu Thị Nhung thuê căn hộ ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và quen biết chị Trần Thị N (sinh năm 1987; ở Hà Nội). Quá trình quen biết nhau, Nhung thấy chị N có nhu cầu xin việc làm nên nảy sinh ý định lừa đảo. Nhung giới thiệu bản thân đang công tác tại Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội với chức danh là giám định viên, nên có thể xin cho chị N làm chuyên viên chính với chi phí 125 triệu đồng.
Do tin tưởng nên chị N đồng ý. Hai bên lập giấy xác nhận với nội dung Nhung xin việc cho chị N và hẹn trong tháng 10 hoặc 11-2021 thì sẽ đi làm. Chị N sau đó chuyển trước 75 triệu đồng cho Nhung.
Tháng 9-2021, Nhung tiếp tục nói chị N phải thi tuyển công chức và phải học bổ sung các văn bằng, chứng chỉ nghiệp vụ bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện đi làm. Bị cáo nói rằng người tên là Nguyễn Thị Tuyết – nhân viên hành chính, nhân sự của Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội sẽ liên hệ trực tiếp với chị N.
Thực tế, Nhung dùng sim khác, đặt tên tài khoản Zalo là “Tuyet Nguyen” để liên hệ với chị N thi tuyển công chức và đi học các lớp cảm tình Đảng, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, nghiệp vụ bảo hiểm xã hội và phải nộp học phí. Nhung thông báo chị N phải ứng trước tiền học phí, sau đó sẽ được hoàn lại toàn bộ số tiền đã đóng và còn được hỗ trợ thêm 3,5 triệu đồng mỗi lớp học. Nhung sử dụng nhiều thủ đoạn để bị hại tin tưởng đi học các lớp học nói trên.
Nhung tự tạo các tài khoản email như: phongtochucbienche@gmail.com, phonghcnbhxh@gmail.com... và mạo nhận là địa chỉ email của các cơ quan chức năng trong việc thi tuyển công chức, đào tạo cán bộ bảo hiểm xã hội. Nhung cũng tự soạn các văn bản, tài liệu thông báo các nội dung liên quan đến việc thi tuyển công chức và các lớp văn bằng, chứng chỉ, nghiệp vụ bảo hiểm xã hội để chị N theo học và thông báo học phí.
Ngoài ra, đối tượng này còn sử dụng ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh Picsart trên điện thoại để tạo hình ảnh các văn bản, quyết định rồi ghép chữ ký, dấu đỏ của cơ quan chức năng, scan hình ảnh gửi qua email cho chị N… Nhung còn kỳ công sử dụng ứng dụng chỉnh sửa video Capcut trên điện thoại để chỉnh sửa, cắt video, ghi âm sẵn các cuộc hội thoại và chỉnh sửa thành giọng nam giới. Sau đó, Nhung dùng số điện thoại khác gọi điện cho chị N giới thiệu là người bên Sở Nội vụ thành phố Hà Nội và bật các đoạn ghi âm để trao đổi, thông báo với chị N làm đề tài luận văn tốt nghiệp.
Tháng 6-2022, Nhung dùng tài khoản Zalo, mạo danh là Tuyết để gửi hình ảnh là quyết định về việc công nhận kết quả tuyển dụng công chứng năm 2021, kèm theo danh sách có tên chị N.
Nhung cũng lên mạng đặt mua đồng phục công sở, đặt làm biển tên chị N theo mẫu của cơ quan bảo hiểm xã hội rồi thông báo chị này đến nhận đồng phục, biển tên, thẻ nhân viên.
Tháng 7-2022, Nhung tiếp tục mạo danh là Tuyết nhắn tin, gửi email cho chị N giới thiệu lớp học online bồi dưỡng nghiệp vụ bảo hiểm xã hội. Bị cáo tự nghĩ ra tên giáo viên là Hoàng Thị Huyền và sử dụng ứng dụng google class để tạo lớp học online, sử dụng website Vbee để chuyển các văn bản giảng dạy về chuyên ngành bảo hiểm xã hội thành giọng nói và mở để chị N tưởng là giáo viên giảng dạy.
Sau đó, Nhung lấy lý do mất tín hiệu đường truyền chuyển sang hình thức giao tiếp để học viên tự nghiên cứu… Với cách thức trên, từ ngày 16-9-2021 đến tháng 7-2022, chị N đã chuyển vào tài khoản của Tuyết (mẹ đẻ Nhung) hơn 503 triệu đồng. Số tiền này sau đó được Nhung rút và sử dụng chi tiêu cá nhân.
Sau một thời gian, chị N không thấy được hoàn tiền các lớp học nên nghi ngờ và tìm hiểu thì phát hiện bị Nhung lừa đảo.
Quá trình điều tra, Nhung đã bồi thường cho nạn nhân số tiền trên. Bị hại vì thế có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử vẫn quyết định tuyên phạt Nhung mức án 8 năm tù.