Y tế

Suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn do tự điều trị gout

Thu Trang 31/12/2024 - 10:54

Phát hiện bệnh gout từ cách đây 8 năm, nhưng thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc, nam bệnh nhân 48 tuổi phải nhập viện trong tình trạng suy kiệt, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, khối u ở cổ chân vỡ và chảy dịch.

Sáng 31-12, theo tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nam bệnh nhân N.T.K (48 tuổi, ở Lạng Giang, Bắc Giang) được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng suy kiệt toàn thân, có dấu hiệu phù, sốt cao kéo dài 39-40°C suốt 10 ngày.

bv-nhit-doi.jpg
Nam bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân phải hỗ trợ thở máy do suy hô hấp nặng. Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện của sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng với các dấu hiệu huyết áp thấp, mạch nhanh, nhịp tim nhanh.

Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh gout từ năm 2016 trên nền bị tăng huyết áp và đái tháo đường nhưng không tuân thủ điều trị và thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc.

Việc lạm dụng thuốc này không chỉ khiến bệnh gout tiến triển xấu hơn mà còn làm suy yếu sức đề kháng, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và gia tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Tại các khớp của bệnh nhân cũng đã biến dạng tạo thành các u cục ở các khớp với kích thước to, nhỏ khác nhau làm giảm khả năng vận động, gây đau nhức mãn tính.

Khoảng 1,5 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện tổn thương ở cổ chân phải. Thế nhưng, khi khối u ở cổ chân vỡ và chảy dịch, thay vì đến cơ sở y tế, bệnh nhân lại tiếp tục tự điều trị tại nhà.

Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn với các biểu hiện sốt cao liên tục ( 39 - 40 độ), vết thương chảy mủ nhiều hơn, sưng đau và nhiễm trùng lan rộng. Sau đó, bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế để điều trị và được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ một vết thương ở cổ chân phải bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Vùng cổ chân của bệnh nhân bị sưng nề, tấy đỏ, chảy nhiều mủ vàng và nhiễm trùng lan rộng từ bàn chân lên cẳng chân và đùi.

Thạc sĩ-bác sĩ Lương Hương Giang, khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, tổn thương này xuất phát từ việc khối u tại cổ chân (khối u là do tinh thể acid uric lắng đọng lại tại mô mềm sau một thời gian dài không kiểm soát acid uric máu) - một dấu hiệu đặc trưng của bệnh gout bị vỡ. Thay vì đến bệnh viện để được xử lý đúng cách, bệnh nhân tự bôi thuốc và tiêm thuốc tại nhà, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng.

“Bệnh gout nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như lắng đọng axit uric lâu ngày, gây tổn thương thận, suy thận hoặc làm biến dạng khớp, khiến bệnh nhân đau nhức mãn tính và giảm khả năng vận động. Đặc biệt, khi tổn thương từ bệnh gout bị nhiễm trùng, nguy cơ dẫn đến viêm mô bào nặng hoặc nhiễm trùng huyết là rất cao, đe dọa tính mạng”, bác sĩ Lương Hương Giang nhấn mạnh.

Qua trường hợp này, bác sĩ Lương Hương Giang khuyến cáo, người mắc gout cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là kiểm soát tốt nồng độ axit uric trong máu để hạn chế các biến chứng.

Những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp và đái tháo đường cần tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, tránh tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Đồng thời, bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn uống khoa học, hạn chế thực phẩm chứa nhiều purin (như nội tạng động vật, hải sản) và rèn luyện lối sống lành mạnh.