Luận đàm thời sự

Xứ Hàn chưa "yên hàn"

Đại sứ Trần Đức Mậu 31/12/2024 - 06:37

Diễn biến tình hình chính trị quyền lực ở Hàn Quốc khiến người dân ở xứ này thêm quan ngại và bên ngoài không thể không ngạc nhiên.

Trong khoảng thời gian rất ngắn, những diễn biến này buộc tất cả phải nhìn nhận bằng con mắt khác về sự ổn định chính trị và mức độ bền vững của nền dân chủ ở Hàn Quốc.

Đầu tiên là việc Tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật nhưng rồi mấy giờ sau phải rút lại, sau khi bị Quốc hội phủ quyết. Sau đó, ông Yoon Suk-yeol bị Quốc hội phế truất và Thủ tướng Han Duck-soo đảm trách cương vị Tổng thống tạm quyền. Mới đây nhất, Tổng thống tạm quyền này cũng bị phế truất. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok làm Tổng thống tạm quyền mới.

Bây giờ, Tòa án hiến pháp Hàn Quốc có thời gian 180 ngày để phán quyết về tính hợp pháp và hợp hiến của việc Quốc hội phế truất cả Tổng thống lẫn tổng thống tạm quyền. Sau đó, chưa biết ông Yoon Suk-yeol được khôi phục quyền lực hay bị phế truất và ông Han Duck-soo có được khôi phục cương vị Thủ tướng không, hay sẽ có bầu cử Tổng thống mới trong vòng 60 ngày sau đó.

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc trở nên thêm nghiêm trọng và tác động rất tai hại. Nguyên cớ khiến nó trở nên như vậy cũng là nguyên cớ chính khiến cho cuộc khủng hoảng này còn dai dẳng và còn tác động tai hại hơn nữa tới đất nước này. Nguyên cớ ấy là hai phe phái chính trị lớn nhất trên chính trường Hàn Quốc không những chỉ không sẵn sàng hợp tác với nhau, mà còn quyết tâm đối kháng nhau đến cùng.

Một bên là phe đảng Quyền lực nhân dân của ông Yoon Suk-yeol theo quan điểm bảo thủ, thân Mỹ. Một phía là đảng Dân chủ với quan điểm tự do, không ngả hẳn về phía Mỹ và sẵn sàng thỏa hiệp hơn với Triều Tiên. Thủ lĩnh của đảng Dân chủ, ông Lee Jae-myung, là ứng cử viên Tổng thống đã thua ông Yoon Suk-yeol trong cuộc bầu cử gần đây nhất ở Hàn Quốc, nhưng chỉ với mức độ chênh lệch tỷ lệ phiếu bầu rất nhỏ. Ngay kết quả bầu cử Tổng thống lúc đó cũng cho thấy, nội bộ chính trường và xã hội Hàn Quốc bị phân rẽ sâu sắc như thế nào.

Cho nên, những gì vừa xảy ra ở xứ này đều là hệ lụy lô gic và không thể tránh khỏi khi phe cầm quyền của ông Yoon Suk-yeol chỉ là phe thiểu số trong Quốc hội và phe đa số của ông Lee Jae-myung trong Quốc hội kiên quyết bất hợp tác với phía cầm quyền.

Ông Yoon Suk-yeol muốn dùng lệnh thiết quân luật để vô hiệu hóa sự chống đối của phe đối lập trong Quốc hội, nhưng rồi bị Quốc hội phế truất. Ông Han Duck-soo sau đó cũng bị phe đối lập trong Quốc hội phế truất do không chủ định gây dựng sự hợp tác với phe đối lập, mà tìm cách giải cứu ông Yoon Suk-yeol bằng cách không để cho bầu bổ sung 3 để đủ 9 thành viên của Tòa án hiến pháp.

Theo quy định trong Hiến pháp Hàn Quốc, Tòa án hiến pháp chỉ có thể quyết định phế truất Tổng thống đương nhiệm khi có ít nhất 6 trong 9 thành viên đồng tình. Tòa án này hiện chỉ có 6 thành viên nên cơ may thoát hiểm của ông Yoon Suk-yeol sáng sủa hơn nhiều so với khi Tòa án này có đủ 9 thành viên. Ông Lee Jae-myung chủ trương không để cho ông Yoon Suk-yeol và phe cánh cầm quyền thành công và buộc phải tiến hành bầu cử Tổng thống mới.

Kể từ khi nền dân chủ được kiến tạo năm 1987 đến nay, chính trường Hàn Quốc chưa lần nào bị khủng hoảng như vậy. Điều này rất bất lợi cho Hàn Quốc khi đang phải ứng phó nhiều thách thức về phát triển kinh tế - xã hội, về đối ngoại và an ninh. Cuộc khủng hoảng này gây tổn hại lớn cho uy tín quốc tế của Hàn Quốc và chưa biết đến khi nào mới kết thúc.