Chuẩn bị ứng dụng công cụ FTA Index: Thước đo hiệu quả các hiệp định thương mại tự do
Sự ra đời bộ Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA Index) có ý nghĩa quan trọng nhằm đo lường, thúc đẩy việc triển khai các hiệp định thương mại đã ký.
Được xây dựng từ năm 2022 và sẽ sớm công bố, FTA Index được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có tính toàn diện, khả thi; giúp các chủ thể chủ động trong quá trình thực thi.
Công cụ đo lường thiết thực
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết và triển khai 17 hiệp định thương mại, qua đó kết nối với trên 60 đối tác có hiệp định thương mại tự do, phủ rộng khắp các châu lục và chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, hiện chưa có đánh giá mang tính tổng quát về hiệu quả triển khai các hiệp định thương mại kể trên, trong khi việc tận dụng các ưu đãi còn hạn chế, doanh nghiệp chủ yếu vẫn xuất khẩu sản phẩm dạng thô.
Thực tế, từ năm 2022, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án bộ Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index). Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Lan Phương cho biết, FTA Index là thước đo mức độ thực thi, tận dụng và hiệu quả của các hiệp định thương mại tự do tại các địa phương, bộ, ngành. Đây là bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam.
“Bảng xếp hạng FTA Index là công cụ giúp các tỉnh, thành phố nhìn nhận toàn diện và hoàn thiện hơn nữa các giải pháp tận dụng hiệu quả các FTA”, bà Nguyễn Thị Lan Phương thông tin.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) Lê Anh Văn đánh giá cao ý nghĩa việc xây dựng FTA Index. Đây là công cụ đo lường mức độ tận dụng của doanh nghiệp cùng mức độ hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp trong việc tận dụng các hiệp định thương mại. Bộ chỉ số còn giúp Chính phủ có những chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác thực thi hiệp định thương mại tự do tại các địa phương, từ đó có giải pháp hỗ trợ, gỡ khó kịp thời.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, FTA Index là công cụ thiết thực, bổ sung cho các bộ chỉ số khác nhằm có được đánh giá đầy đủ về quá trình phát triển, cải cách, thích ứng của các bên liên quan, nhất là doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Đây là cơ sở để các bên liên quan soi chiếu, xem cần cải thiện điều gì; các địa phương nhìn nhận lại, học hỏi các địa phương khác, tạo ra chuyển biến tích cực trong thực thi các hiệp định thương mại và mở cửa hội nhập.
Sớm công bố FTA Index
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, FTA Index đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ sớm được công bố. FTA Index đo lường dựa trên các chỉ số về tuyên truyền, phổ biến thông tin của các địa phương; việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật của doanh nghiệp; việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do và hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương…
Bộ chỉ số được xây dựng dựa trên nguồn thông tin dữ liệu thống kê và thông tin khảo sát doanh nghiệp hằng năm. Cụ thể là từ các hoạt động khảo sát và thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước, doanh nghiệp tại khu vực kinh tế Nhà nước tại địa phương; thu thập dữ liệu thứ cấp từ các nguồn thông tin đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Đồng thời, Bộ Công Thương và các bên sẽ phân tích, xây dựng và kiểm định mô hình tính toán bộ chỉ số; đánh giá và đưa ra giải pháp thúc đẩy việc thực thi các hiệp định thương mại tự do tại từng địa phương thông qua bộ chỉ số của địa phương đó... FTA Index sẽ xếp hạng các tỉnh, thành về việc thực thi hiệp định thương mại tự do để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp nhìn nhận, FTA Index sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp Hà Nội trong việc tận dụng các hiệp định đã ký. Tuy nhiên, FTA Index cần bảo đảm đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, khả thi, dễ thực hiện cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp. Sự rõ ràng, minh bạch của FTA Index sẽ thúc đẩy, khuyến khích sáng tạo trong việc thực hiện các chỉ số.
Còn ông Lê Anh Văn nhấn mạnh, để bảo đảm tính chính xác và hiệu quả trong quá trình thu thập thông tin, cơ quan triển khai khảo sát cần bám sát doanh nghiệp để hiểu rõ mức độ hội nhập của các khu vực kinh doanh. Đồng thời, mẫu phiếu khảo sát, phương pháp thu thập thông tin và bộ câu hỏi phải phù hợp với đặc thù của từng ngành hàng.
Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, cần xem xét sự tương thích của FTA Index với các bộ chỉ số khác đã có, xác định rõ ràng mục tiêu, kết quả đầu ra của nghiên cứu khảo sát. Quá trình khảo sát cần có sự nghiên cứu các trường hợp cụ thể về tận dụng các hiệp định, nhất là bổ sung các chỉ tiêu cụ thể liên quan tới chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Cơ quan quản lý cần bổ sung những câu hỏi khảo sát liên quan tới chia sẻ rủi ro, cách thức ứng phó với rủi ro khi hội nhập, giao thương với các đối tác, sự phản hồi của doanh nghiệp về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thực thi hiệp định...