Bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong sắp xếp các đơn vị hành chính
Đời sống - Ngày đăng : 17:22, 21/09/2022
Quy định rõ phân loại đô thị theo vùng miền
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 gồm 2 Điều. Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về mục đích phân loại đô thị; quy định bổ sung nguyên tắc về việc phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở đặc điểm vùng miền và yếu tố đặc thù; phạm vi đánh giá, phân loại đô thị được công nhận phải đúng với phạm vi dự kiến hình thành đơn vị hành chính đô thị.
Về các quy định áp dụng phân loại đô thị theo vùng miền, quy định rõ mức áp dụng khác nhau về một số tiêu chí, tiêu chuẩn như quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và mức độ phát triển kinh tế - xã hội, mức độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với 6 vùng kinh tế - xã hội. Bổ sung quy định đối với các trường hợp phân loại đô thị thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đơn vị hành chính đô thị.
Đối với tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, bổ sung 7 tiêu chuẩn; điều chỉnh tên và các mức quy định của 37 tiêu chuẩn; hủy bỏ 3 tiêu chuẩn. Sau khi sửa đổi, bổ sung, tổng số các tiêu chuẩn của 5 tiêu chí phân loại đô thị là 63 tiêu chuẩn (tăng 4 tiêu chuẩn so với hiện hành). Đối với các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập phường, quận: Bổ sung 3 tiêu chuẩn, hủy bỏ 2 tiêu chuẩn, điều chỉnh tên, mức quy định của 9 tiêu chuẩn đối với phường; bổ sung 4 tiêu chuẩn, điều chỉnh tên, mức quy định của 17 tiêu chuẩn đối với quận.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 đã sửa đổi 24 điều, bổ sung 4 điều mới, bãi bỏ 1 điều và 1 phụ lục. Dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn và đơn vị hành chính đô thị có yếu tố đặc thù theo hướng giảm một số tiêu chuẩn cho các đơn vị hành chính này.
Cụ thể, đối với đơn vị hành chính nông thôn, giảm tiêu chuẩn quy mô dân số đối với đơn vị hành chính nông thôn ở miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia mà có từ 30% trở lên quy mô dân số là người dân tộc thiểu số và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Giảm tiêu chuẩn diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Hồng (đạt từ 70% trở lên) để phù hợp với đặc thù của các đơn vị hành chính ở vùng Đồng bằng sông Hồng có diện tích tự nhiên nhỏ nhưng quy mô dân số khá lớn so với các vùng còn lại.
Đối với đơn vị hành chính đô thị, giảm tiêu chuẩn quy mô dân số (đạt từ 50% trở lên), cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội (đạt từ 70% trở lên) của đơn vị hành chính đô thị ở miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia...
Rà soát các yếu tố đặc thù, đặc biệt
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung như đề xuất của Chính phủ là chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 Nghị quyết liên quan đến tiêu chuẩn phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù, điều chỉnh một số tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể chưa thực sự phù hợp nhằm bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng đô thị.
Bên cạnh đó, hai dự thảo Nghị quyết đã cập nhật một số nội dung trong giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.
Tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành với quy định về việc áp dụng tiêu chí phân loại đô thị theo vùng miền tương ứng với 6 vùng kinh tế - xã hội như đề nghị của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng có địa hình bằng phẳng, thuận lợi phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội thì việc cần áp dụng các quy chuẩn, tiêu chí cao nhất là phù hợp.
Đánh giá việc chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của hai Nghị quyết là phù hợp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần rà soát tất cả yếu tố đặc thù, đặc biệt về phân loại đô thị. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nên bổ sung các tiêu chí về điểm thưởng để khuyến khích các đơn vị hành chính có tiêu chí đô thị trong quy định cách tính điểm đối với các tiêu chuẩn, tiêu chí cho nhóm đô thị.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc ban hành hai Nghị quyết nêu trên.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn chỉnh hai dự thảo Nghị quyết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Giai đoạn 2016-2021, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp Bộ Nội vụ, thẩm định trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết nghị thành lập 5 thành phố, 14 thị xã và 144 phường. Tính đến tháng 6-2022, cả nước có 883 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV và 686 đô thị loại V.
Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 86 Nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ, đúng quy định, bước đầu đã giảm được 8/713 (1,12%) đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 đơn vị còn 705 đơn vị) và giảm được 563/11.162 (5,04%) đơn vị hành chính cấp xã (từ 11.162 đơn vị còn 10.599 đơn vị).