Dịch vụ "hát cho nhau nghe": Kiểm soát lỗ hổng quản lý karaoke biến tướng
Sau khi siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy và các quy định liên quan đến kinh doanh karaoke, hiện tại trên địa bàn thành phố Hà Nội còn rất ít cơ sở đủ điều kiện hoạt động.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở đã biến tướng, chuyển đổi thành quán "hát cho nhau nghe" để tiếp tục hoạt động, thu hút khách. Vụ phóng hỏa mới đây gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại một quán "hát cho nhau nghe" ở quận Bắc Từ Liêm là lời cảnh báo về lỗ hổng trong quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ này.
Thực chất là karaoke trá hình
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân… hiện nay có nhiều cơ sở nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng đã đăng ký kinh doanh ăn uống, cà phê nhưng có các thiết bị hát karaoke để phục vụ khách khi có nhu cầu. Hình thức này rất thu hút khách đến giải trí vì có thể hát như ở quán karaoke thông thường.
Khảo sát tại một quán cà phê trên phố Nhân Chính (quận Thanh Xuân) có kinh doanh dịch vụ "hát cho nhau nghe", phóng viên nhận thấy bên trong các phòng rực rỡ ánh đèn, hệ thống âm thanh, màn hình ti vi cỡ lớn để phục vụ khách vừa uống cà phê, vừa hát. Những phòng này có hệ thống cách âm không khác những phòng hát karaoke thông thường. Về các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, tại mỗi phòng chỉ trang bị bình cứu hỏa mini rất sơ sài, không theo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy được áp dụng cho cơ sở kinh doanh karaoke. Do đó, nếu xảy ra chập cháy, các thiết bị bắt lửa nhanh và nguy cơ cháy lan rất lớn. Theo người dân quanh khu vực, quán cà phê này hoạt động từ 11h đến 24h hằng ngày, thậm chí có thời điểm đến 1-2h sáng hôm sau.
Trên địa bàn quận Cầu Giấy, theo ghi nhận của phóng viên tại quán "hát cho nhau nghe H.T" trên phố Quan Hoa trong ngày 26 và 27-12 cho thấy, quán có rất đông người đến hát, uống cà phê, bia, nước ngọt... Quán có diện tích mỗi tầng khoảng 35m2, cao 7 tầng, bên trong mỗi phòng trang bị khoảng 3-5 bộ bàn ghế để khách ngồi uống cà phê, nghe nhạc, 3 màn hình tivi và hệ thống âm thanh, ánh sáng không khác quán karaoke... Khi đăng ký bài hát, lần lượt khách sẽ hát theo thứ tự. Trong các hóa đơn thanh toán tiền, chủ quán chỉ thu tiền nước, không tính phí hát. Tuy nhiên, giá của sản phẩm được tính cao hơn bình thường, đơn cử bia có giá 40.000-70.000 đồng/chai tùy loại; cà phê có giá 40.000-50.000 đồng/ly; nước ép hoa quả 50.000-70.000 đồng/cốc….
Tương tự, tại quán cà phê âm nhạc Club Music cũng trên phố Quan Hoa (quận Cầu Giấy), lượng khách đến sử dụng dịch vụ, đặc biệt là vào buổi tối khá đông. Tại quán cà phê này, lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang bộ và thang máy. Tuy nhiên, tại khu vực cầu thang bộ, chủ quán bày nhiều đồ đạc khiến lối đi chật chội. Các thiết bị phòng cháy, chữa cháy sơ sài, chỉ có một vài bình chữa cháy cầm tay.
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, các quán karaoke cũ tại phố Phúc Tân, Nguyên Khiết… cũng được chuyển đổi chức năng thành quán "hát cho nhau nghe". Do vậy, khu vực này luôn tập trung đông đúc lượng khách ra vào.
Cần sớm có cơ chế quản lý
Tính đến nay, Hà Nội có gần 80 cơ sở kinh doanh karaoke đã khắc phục yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và đủ điều kiện hoạt động. Trong khi đó, vẫn còn hơn 1.000 quán karaoke chưa bảo đảm yêu cầu và khó khắc phục được nên phải đóng cửa hoặc lách các quy định bằng cách chuyển đổi công năng sang "hát cho nhau nghe", music box - phòng thu âm. Loại hình này không bị bắt buộc trang bị tiêu chuẩn về cách âm, kỹ thuật, không nằm trong phạm vi điều chỉnh quản lý của kinh doanh karaoke. Chủ cơ sở chỉ cần xin cấp giấy phép kinh doanh và vấn đề đáng quan tâm là yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy không quá ngặt nghèo nên việc trang bị thiết bị phòng cháy hầu như chưa được chú trọng.
Về thực trạng này, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Cầu Giấy Nguyễn Minh Cường cho biết, hiện những cơ sở "hát cho nhau nghe" đã đăng ký kinh doanh đầy đủ rất khó xử lý, bởi khi tiến hành kiểm tra, chủ cơ sở đều xuất trình được giấy phép kinh doanh, đồng thời khẳng định không kinh doanh dịch vụ karaoke. “Đối với loại hình này, các cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn cụ thể, cũng chưa đưa ra hình thức quản lý nên các địa phương không có cơ sở để xử lý. Tuy nhiên, UBND quận Cầu Giấy đã chỉ đạo UBND và Công an các phường thường xuyên kiểm tra giấy phép kinh doanh và việc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở "hát cho nhau nghe" trên địa bàn để tăng cường kiểm soát”, ông Nguyễn Minh Cường nói.
Theo pháp luật hiện hành về phòng cháy, chữa cháy chưa có quy định xử phạt vi phạm đối với loại hình kinh doanh dịch vụ hát tại quán cà phê, ăn uống. Lợi dụng điều này, các cơ sở né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng bằng cách kinh doanh karaoke trá hình, gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý. Các quận, huyện, thị xã của thành phố đã có ý kiến đề xuất các cơ quan liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý đối với loại hình này. Đây là việc làm cần thiết và cấp bách, bởi khi sự cố cháy nổ xảy ra, hậu quả là không thể lường trước.