Khai thác lợi thế để phát triển du lịch sáng tạo: Bài học thành công từ Nhật Bản
Phát triển du lịch sáng tạo là xu hướng tất yếu của các quốc gia khi tạo ra những sản phẩm du lịch, thị trường và những giá trị mới. Một trong những quốc gia châu Á gặt hái nhiều thành công từ các mô hình du lịch sáng tạo là Nhật Bản, với những cách làm và tầm nhìn đi trước thời đại.
Những mô hình sáng tạo độc đáo
Nhật Bản có ngành Du lịch phát triển hàng đầu châu Á. Theo Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO), 6 tháng đầu năm 2024, du lịch Nhật Bản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là về lượng khách quốc tế. Tổng lượng khách du lịch từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2024 của quốc gia này đạt 14,64 triệu lượt, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Nơi "gửi" khách đến Nhật Bản đông nhất là Hàn Quốc (khoảng 738,8 nghìn lượt), Trung Quốc (khoảng 545 nghìn lượt).
Có được kết quả này là nhờ Nhật Bản đã áp dụng thành công các ứng dụng công nghệ nhằm tạo hiệu ứng kép, vừa khắc phục khó khăn về phát triển du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19, vừa tạo ra những giải pháp về công nghệ để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh, từ đó khuyến khích du lịch sáng tạo phát triển với những trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch.
Tại Nhật Bản, trong giai đoạn vừa qua, cần ghi nhận sự thành công của mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP). Ban đầu, đây chỉ là mô hình phát triển nông thôn của Nhật Bản, nhưng sau đó được ứng dụng cả trong phát triển du lịch. Mô hình OVOP được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản: Hành động địa phương nhưng suy nghĩ toàn cầu; Tự tin và sáng tạo; Phát triển nguồn nhân lực.
Mỗi địa phương, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà lựa chọn những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương để phát triển du lịch sáng tạo. Ở Nhật Bản, để phát triển du lịch sáng tạo, các nhà quản lý và người làm du lịch tiếp cận du lịch từ hai phía, đó là khách du lịch và địa phương tiếp nhận khách du lịch.
Mô hình phát triển du lịch sáng tạo ở Yufuin thực hiện theo phương thức được áp dụng nhiều ở Nhật Bản hiện nay, đó là cộng đồng địa phương tự đề xuất mô hình phát triển du lịch bền vững, và thực hiện. Vùng Yufuin của Nhật Bản mỗi năm đón khoảng 3,8 triệu khách du lịch, trong đó có khoảng 900 nghìn khách lưu trú và 70% là khách đến lần thứ hai, gần 10% là khách đến hơn 10 lần.
Nhờ có một số hoạt động cộng đồng gắn với du lịch mà vùng Yufuin đã thu hút khách du lịch, như: Liên hoan phim Yufuin, cuộc thi hát được tổ chức vào mùa thu, khôi phục phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, đồ lưu niệm mang nhãn hiệu Yufuin là những sản phẩm gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Một điểm đáng chú ý là người dân địa phương, thậm chí cả trẻ em cũng được đào tạo hướng dẫn du lịch.
Bên cạnh đó, Nhật Bản đã phát hành vé Japan Rail (JR) Pass dành riêng cho du khách nước ngoài di chuyển ở Nhật Bản với tư cách khách du lịch tạm thời. Chiếc vé này cho phép khách thực hiện các chuyến đi không giới hạn trên mạng lưới JR xuyên suốt Nhật Bản. Kể từ khi vé JR Pas được tạo ra, mạng lưới shinkansen (tàu cao tốc) đã mở rộng đáng kể và giờ đây du khách có thể đi tàu shinkansen suốt chặng đường từ Hokkaido đến Kyushu.
Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch
Trong đại dịch COVID-19, thực tế ảo (Virtual Reality - VR) được các nhà cung cấp tour và các doanh nghiệp du lịch sử dụng để mang lại trải nghiệm tham quan cho du khách ngay cả khi ngồi một chỗ. Theo báo cáo của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, việc công nghệ 5G được đưa vào sử dụng cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ với phạm vi ứng dụng được mở rộng của công nghệ VR/AR sẽ tạo điều kiện để áp dụng VR và AR trong một loạt các ngành công nghiệp, bao gồm cả du lịch trong thời gian tới. Một trong những địa phương đầu tiên sử dụng VR và AR là Kyushu.
Một điển hình khác trong việc phát triển du lịch sáng tạo ở Nhật Bản là sử dụng công nghệ phiên dịch bằng AI. Theo đó, ngành Du lịch Nhật Bản đang tìm kiếm các công cụ xử lý ngôn ngữ và các công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) khác để hỗ trợ giao tiếp với du khách quốc tế trước sự phục hồi nhanh chóng của du lịch nội địa và tình trạng thiếu nhân viên nói tiếng Anh.
Ví dụ, tại ga Seibu Shinjuku của Tokyo, một cỗ máy hỗ trợ AI được triển khai tại quầy bán vé. Được phát triển bởi Công ty in Toppan, thiết bị có tên VoiceBiz diễn giải lời nói bằng 12 ngôn ngữ và hiển thị cuộc trò chuyện theo thời gian thực trên màn hình trong suốt để nhân viên và khách hàng có thể nhìn thấy nhau và bản dịch. Khi khách hàng nói vào micro đặt bên cạnh màn hình, hệ thống sẽ chuyển câu hỏi của khách thành chữ viết bằng ngôn ngữ của họ, sau đó dịch sang tiếng Nhật cho nhân viên nhà ga. Câu trả lời của nhân viên cũng được dịch lại theo cách này.
Ngoài ra, Tập đoàn Kotozana Inc. đã thử nghiệm dịch vụ ConcierGPT dựa trên ChatGPT tại Southern Beach Hotel & Resort Okinawa. Công nghệ này đóng vai trò trung gian giữa du khách và nhân viên lễ tân, có khả năng cung cấp câu trả lời chính xác, rõ ràng và đa ngôn ngữ cho từng thông tin cụ thể của khu nghỉ dưỡng này.
Từ mô hình du lịch sáng tạo của Nhật Bản, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là không nên phát triển quá rộng mà cần có sự kiểm soát nhất định. Cần khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch của địa phương nhằm phát triển du lịch sáng tạo bởi đây chính là tiềm năng và là điểm hấp dẫn cho khách du lịch. Song song với đó là nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch sáng tạo bởi loại hình này dựa rất lớn vào đặc trưng văn hóa cộng đồng. Cuối cùng là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ phát triển du lịch sáng tạo tại các điểm du lịch địa phương cũng như của quốc gia.