Chính trị

Đổi mới mạnh mẽ tư duy trong thực hiện công tác thanh tra

Theo TTXVN 29/12/2024 - 06:46

Ngày 28-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Năm 2024, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm. Ngành Thanh tra cũng chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra để xử lý kịp thời, đúng pháp luật những tập thể, cá nhân có vi phạm; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Tổng hợp số liệu cho thấy, toàn ngành đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính, 118.983 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể, 9.017 cá nhân. Đáng chú ý, toàn ngành đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.

Với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cấp, ngành có nhiều cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, thời gian qua, ngành Thanh tra đã cùng các bộ, ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó: Triển khai, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố"; tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án năng lượng tái tạo… Qua đó khơi thông được nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, ngành làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, có nhiều đổi mới trong công tác này như tiếp công dân trực tuyến, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân...

Về một số tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là điểm sáng nhưng vẫn còn những vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài. Hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh tra còn “chưa đều”, nhất là thanh tra ở cấp huyện. Trong quá trình thanh tra còn có một số cán bộ thanh tra có vi phạm, phải xử lý hình sự.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đồng tình với những phương hướng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra trong thời gian tới như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

Nhấn mạnh về việc đổi mới mạnh mẽ tư duy trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của thanh tra, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, bên cạnh phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, một nhiệm vụ quan trọng là qua công tác thanh tra phát hiện các hạn chế, vướng mắc về chính sách, pháp luật, từ đó tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

“Thanh tra để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không trở thành lực cản, vừa nghiêm minh vừa sát thực tiễn và hỗ trợ quá trình phát triển” - Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh. Mục tiêu cao nhất của thanh tra là duy trì kỷ cương, kỷ luật; từ đó yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, các kết luận thanh tra cần khách quan, công tâm và khả thi.