Hà Nội kết nối

Tân Sơn - dấu ấn “xanh” trên bản đồ du lịch Phú Thọ

Hương Thanh 29/12/2024 - 06:37

Tân Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, nằm cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 80km.

Dù là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng với nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn đa dạng, nơi có “lá phổi xanh” Vườn quốc gia Xuân Sơn, Tân Sơn ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến “xanh” hấp dẫn của Phú Thọ.

phu-tho-du-lich.jpg
Du khách đạp xe khám phá Vườn quốc gia Xuân Sơn. Ảnh: Internet

Tiềm năng du lịch cộng đồng phong phú

Vườn quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích hơn 15 nghìn hecta, trải rộng trên địa bàn 6 xã của huyện Tân Sơn. Nơi đây có hệ sinh thái điển hình của rừng nhiệt đới và á nhiệt đới, với địa hình đa dạng gồm đồi núi, thung lũng, rừng, hồ... tạo nên cảnh quan hoang sơ, khí hậu trong lành và là điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thú vị dành cho du khách.

Đặc biệt, tại đây có tới 30 hang động, thác nước mang vẻ đẹp kỳ ảo như hang Lun, hang Lạng, hang Thổ Thần, thác Ngọc... nên Xuân Sơn được ví như “Phong Nha - Kẻ Bàng thứ hai”.

Nằm ẩn mình trong những cánh rừng là các bản làng của người Dao, Mường còn bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa, tạo nên nguồn tài nguyên nhân văn với sức hút riêng có cho Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Phát huy lợi thế ấy, tại Xuân Sơn đã hình thành một số bản du lịch cộng đồng được nhiều du khách biết tới như bản Cỏi, bản Dù và điểm du lịch thác Ngọc. Cả 3 điểm đến này đều nằm trên địa bàn xã Xuân Sơn và đều được công nhận là điểm đến du lịch cấp tỉnh.

Đến với điểm du lịch cộng đồng bản Dù, nơi tụ cư của đồng bào Dao, Mường, du khách có dịp tìm hiểu phong tục tập quán, tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp hay thưởng thức các loại hình diễn xướng dân gian do các thành viên trong Câu lạc văn nghệ của bản biểu diễn. Tại đây có 6 cơ sở homestay và dịch vụ ăn uống phục vụ khách. Trung bình mỗi năm, bản Dù đón trên 20.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Điểm du lịch sinh thái cộng đồng bản Cỏi nằm ở lưu vực suối Thang - nơi có hang Cỏi, bãi tắm, hang Đất và dãy núi Cẩn, với tổng diện tích tự nhiên là 360ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 328ha. Cộng đồng xóm Cỏi hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao như múa sinh tiền, lễ hội cấp sắc...

Đặc biệt, tại đây còn có 2 cây chò chỉ có tuổi đời hơn 1.000 năm đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Bản Cỏi hiện là điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn với đa dạng loại hình trải nghiệm như du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá, du lịch nghiên cứu khoa học. Tại đây hiện có 2 nhà sàn và 4 hộ dân ở xóm Cỏi, 7 hộ ở xóm Lấp kinh doanh dịch vụ homestay, có khả năng phục vụ khoảng 1.000 lượt khách lưu trú/ ngày.

Nằm sát bản Cỏi là Điểm du lịch sinh thái thác Ngọc có diện tích 3.512ha, gồm nhiều danh lam thắng cảnh nổi bật như thác Ngọc có độ cao hơn 20m, suối Lấp có chiều dài 5km uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh, hang Na - nơi gắn với truyền thuyết mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng; hang Thổ Thần sở hữu nhiều nhũ đá có hình thù lạ mắt và quần thể Cây di sản, gồm 20 cây có tuổi trên 1.000 năm. Tại Điểm du lịch cộng đồng thác Ngọc hiện có 2 nhà sàn và 7 hộ dân kinh doanh dịch vụ homestay với đầy đủ các dịch vụ.

Phát triển du lịch bền vững

Những năm qua, huyện Tân Sơn đã quan tâm đầu tư phát triển các điểm du lịch cộng đồng trên nhằm thu hút khách du lịch. Đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của Phú Thọ cùng với các sản phẩm đã được định vị như du lịch về nguồn, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch di sản...

Tuy vậy, việc khai thác, phát triển du lịch của Tân Sơn chưa tương xứng với tiềm năng do những hạn chế về cơ sở hạ tầng, đường giao thông... Mặc dù vậy, chính quyền địa phương và người dân Tân Sơn vẫn quyết tâm khắc phục khó khăn, lấy hạn chế làm động lực để phát triển.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Nguyễn Khắc Thăng, những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tân Sơn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, kế thừa kết quả Đề án Phát triển kinh tế phục vụ du lịch giai đoạn 2008 - 2015, định hướng đến năm 2020, huyện đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 17-1-2022 về phát triển du lịch huyện Tân Sơn giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, huyện quan tâm thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng, phát triển các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; đổi mới công tác tuyên truyền quảng bá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ các hộ kinh doanh dịch vụ homestay, cải tạo nhà cửa theo mô hình đạt chuẩn để phục vụ khách...

Bên cạnh đó, huyện còn thành lập Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch cùng Trung tâm Giáo dục môi trường và Tư vấn dịch vụ du lịch (Vườn quốc gia Xuân Sơn) nhằm phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, tư vấn, từng bước đáp ứng phục vụ du lịch chuyên nghiệp.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, nâng cao đời sống cho người dân hướng tới phát triển du lịch bền vững, huyện Tân Sơn cũng đẩy mạnh việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng sản phẩm văn hóa, sản phẩm kinh tế nông nghiệp và thủ công truyền thống đặc trưng phục vụ du lịch.

Theo đó, huyện chú trọng công tác phát triển các sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm OCOP như chương trình nuôi gà nhiều cựa, vịt suối, lợn lửng, nuôi ong lấy mật, sản xuất chè xanh chất lượng cao... gắn với bảo tồn, chế biến các sản phẩm ẩm thực và các nghề truyền thống để phục vụ du lịch.

Với những định hướng, mục tiêu trên, Tân Sơn phấn đấu xây dựng Vườn quốc gia Xuân Sơn trở thành Khu du lịch quốc gia vào năm 2030, qua đó lan tỏa hình ảnh của vùng đất, con người Tân Sơn đến với đông đảo khách du lịch trong tương lai.