Thế giới

Xung đột Nga - Ukraine: Nỗ lực tìm “lối thoát”

Hoàng Linh 28/12/2024 - 06:57

Xung đột tại Ukraine được đánh giá dường như đang nhìn thấy “tia sáng cuối đường hầm”, khi các bên liên quan phát đi những tín hiệu cho thấy đã sẵn sàng tìm kiếm sự thỏa hiệp tiến tới chấm dứt chuỗi chiến sự chuẩn bị bước sang năm thứ tư.

tong-thong-vladimir-putin-c.jpg
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột nhưng Mátxcơva vẫn cần đạt được các mục tiêu ở Ukraine.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai cho biết, Slovakia có thể là nơi tổ chức đàm phán giữa Nga và Ukraine. Thông điệp được đưa ra khi người đứng đầu Xứ Bạch dương tiếp đón Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại Điện Kremlin.

Theo truyền thông quốc tế, Thủ tướng Robert Fico, vốn thường xuyên phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ Ukraine, đã đề nghị Slovakia trở thành nơi tổ chức đàm phán giữa Mátxcơva và Kiev.

Phản hồi về ý kiến này trong cuộc họp báo ở Leningrad (Nga) ngày 26-12 (giờ địa phương), Tổng thống Vladimir Putin cho rằng: “Chúng tôi không phản đối nếu điều đó xảy ra. Tại sao không? Vì Slovakia giữ một lập trường trung lập”, đồng thời nhấn mạnh việc Slovakia làm nơi tổ chức đàm phán là “một lựa chọn chấp nhận được đối với Nga”.

Tổng thống Nga cũng khẳng định, Mátxcơva sẽ tập trung vào việc “giành chiến thắng” trong cuộc xung đột với Ukraine vào năm 2025 nhằm đạt được tất cả mục tiêu đã đề ra.

Liên quan đến triển vọng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, trong cuộc họp báo trực tuyến với các nhà báo quốc tế cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý trong xung đột Nga - Ukraine.

Theo Ngoại trưởng Nga, nước này sẽ chỉ tham gia các cuộc đàm phán nếu chúng có ý nghĩa và tính đến nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột cũng như các nguyên tắc mà Tổng thống Vladimir Putin đã nêu ra.

Theo quan chức ngoại giao Nga, Mátxcơva cho rằng, việc thực hiện một lệnh ngừng bắn yếu ớt nhằm đóng băng cuộc chiến không đem lại ích lợi gì, do đó phải có một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý cho một nền hòa bình lâu dài, bảo đảm an ninh cho cả Nga và các nước láng giềng.

Những phát ngôn mới nối dài hàng loạt tuyên bố của các quan chức Nga về việc Mátxcơva sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột với Kiev. Những phát ngôn này có điểm chung là đều nhấn mạnh tới yếu tố: Đàm phán không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, ngoại trừ các thỏa thuận đã đạt được ở Istanbul năm 2022. Các thỏa thuận này bao gồm việc Ukraine giữ vị thế trung lập, không liên kết với khối nào, cùng với những hạn chế về triển khai vũ khí nước ngoài.

Về những rào cản pháp lý, Nga lúc này đã khẳng định sẵn sàng ký kết các thỏa thuận song phương với Ukraine, miễn là những thỏa thuận này phải được ký bởi cơ quan chính quyền hợp pháp của Kiev, hiện nay là Quốc hội Ukraine (Rada).

Theo quan điểm của Nga, Hiến pháp Ukraine không có cơ chế nào cho phép gia hạn nhiệm kỳ Tổng thống trong tình trạng thiết quân luật, nhưng Rada có quyền kéo dài nhiệm kỳ trong thời gian chiến tranh mà không cần tổ chức bầu cử.

Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không ngừng bày tỏ quan điểm cứng rắn về việc muốn chấm dứt xung đột, đồng thời khẳng định sẽ đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky.

Theo nguồn tin từ Xứ Cờ hoa, ông Donald Trump đã thúc giục ông Volodymyr Zelensky ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu đàm phán với Nga. Một tín hiệu tích cực khác liên quan tới xung đột Nga - Ukraine được phát đi từ phía Mỹ, là khi ông Keith Kellogg, người được Tổng thống đắc cử Mỹ đề cử làm đặc phái viên về Ukraine và xung đột Nga - Ukraine, nhấn mạnh chiến sự có thể kết thúc “trong vài tháng tới”.

Theo giới quan sát, ưu tiên cao nhất của Tổng thống Vladimir Putin trong các cuộc đàm phán sẽ là bảo đảm tính trung lập của Ukraine. Điều này sẽ đòi hỏi một cam kết chắc chắn rằng Ukraine không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tương lai gần. Phía Nga cũng được cho là sẽ đưa ra các điều khoản nhằm hạn chế quy mô của lực lượng vũ trang Ukraine và ngăn chặn việc đồn trú quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine. Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường và tiếp tục giữ lập trường về các điều kiện chấm dứt xung đột.

Dù một giải pháp bền vững cho vấn đề Nga - Ukraine chưa thể ngay lập tức xuất hiện, nhưng chấm dứt bạo lực là điều hoàn toàn có thể. Khi tín hiệu về hòa bình đã rõ nét, một lệnh ngừng bắn sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy đàm phán.

Trong bối cảnh đó, quốc tế hoàn toàn có thể trông chờ vào một “phép màu” để tiếng súng sớm lặng im trên lãnh thổ Ukraine. Đây cũng là điều Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mong muốn thực hiện được trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng.