Chuyện đó đây

Nhật Bản sẽ kiểm soát sản xuất mặt hàng quan trọng trong trường hợp khẩn cấp

Thương Nguyệt 26/12/2024 - 11:15

Trong các trường hợp khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản sẽ tạm thời tiếp quản những nhà máy sản xuất các sản phẩm trọng yếu để bảo đảm nguồn cung ổn định.

chabandan.jpeg
Chất bán dẫn là một trong những mặt hàng quan trọng đối với Nhật Bản. Ảnh: FMT/Rahman Hussin

Cơ chế này sẽ được kích hoạt khi hoạt động sản xuất các mặt hàng quan trọng được nêu trong luật thúc đẩy an ninh kinh tế quốc gia bị gián đoạn, nhằm mục đích bảo đảm được nguồn cung hàng hóa ổn định.

Khi tình hình trở lại bình thường, Chính phủ Nhật Bản giao lại quyền sản xuất cho các nhà máy. Để hiện thực hóa cơ chế, chính phủ quốc gia này sẽ sửa đổi các sắc lệnh và hướng dẫn liên quan sớm nhất là vào tháng 2-2025.

Theo truyền thông Nhật Bản, khi kích hoạt cơ chế, Chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu các nhà máy đáp ứng nhu cầu tăng đột ngột do các yếu tố như dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Ngoài ra, cơ chế này cũng có thể được áp dụng để ngăn chặn nguy cơ thất thoát những công nghệ quan trọng.

Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Nhật Bản đã liệt kê 12 mặt hàng quan trọng vào danh sách được chỉ định, bao gồm chất bán dẫn, pin lưu trữ và sản phẩm kháng khuẩn.

Trong năm 2025, Nhật Bản cũng dự kiến sẽ quyết định có nên đưa y tế vào mục cơ sở hạ tầng thiết yếu hay không, trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của số hóa khiến lĩnh vực này ngày càng dễ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Ngoài ra, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia khu vực nam Bán cầu, đồng thời thúc đẩy hỗ trợ tài chính công đối với chuỗi cung ứng hàng hóa vốn đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh kinh tế.

Nhật Bản cũng đã công bố chiến lược xuất khẩu mới nhằm mục đích thu hút các dự án trị giá 45.000 tỷ yên (tương đương 286 tỷ USD) để phát triển cơ sở hạ tầng vào năm 2030.

Thông qua việc nắm bắt nhu cầu liên quan đến những thay đổi xã hội, chẳng hạn như khử carbon, Nhật Bản hy vọng sẽ nhận được nhiều dự án hơn mục tiêu 34.000 tỷ yên trong năm 2025.

Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ tích cực thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng bằng cách tận dụng thế mạnh của quốc gia này, bao gồm cung cấp tài chính thông qua chương trình hỗ trợ phát triển chính thức.