Thế giới

Chính phủ liên minh mới của Romania: Nhiệm kỳ nhiều thách thức

Quỳnh Dương 26/12/2024 - 06:27

Mặc dù mức độ tín nhiệm của đảng Dân chủ xã hội (PSD) suy giảm mạnh trong những năm gần đây nhưng Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu vẫn được tái bổ nhiệm để lãnh đạo một chính phủ liên minh theo đường lối ủng hộ Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, nhiệm vụ của liên minh cầm quyền trong thời gian tới không hề dễ dàng khi phải đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng chính trị mà sự lớn mạnh của phe cực hữu là một trong những nguyên nhân.

thu-tuong-romania-marcel-ciolacu-va-chinh-phu-lien-minh-se-phai-vuot-qua-nhieu-thach-thuc-trong-nhiem-ky-moi..jpg
Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu và chính phủ liên minh sẽ phải vượt qua nhiều thách thức trong nhiệm kỳ mới.

Tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vừa diễn ra, Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu và nội các nhận được 240 phiếu ủng hộ, vượt ngưỡng tối thiểu bắt buộc là 234 phiếu.

Chính phủ liên minh bao gồm PSD, đảng Tự do (PNL) trung hữu và Liên minh Dân chủ cộng đồng người Hungary tại Romania (UDMR), kiểm soát 54% số ghế tại Quốc hội.

Chính phủ mới của Romania có 16 bộ, trong đó PSD giữ 8 vị trí quan trọng như Quốc phòng, Tư pháp, Giao thông vận tải, Lao động...; PNL giữ 6 vị trí; UDMR giữ 2 vị trí.

Chính phủ mới của Romania được thành lập trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính trị ngày càng gia tăng.

Ngay đầu tháng này, Tòa án Hiến pháp Romania đã quyết định hủy bỏ toàn bộ tiến trình bầu cử tổng thống. Sự việc lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử này bắt nguồn từ số lượng ủng hộ tăng cao bất ngờ dành cho ông Calin Georgescu (22,9%) trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 24-11-2024. Nhiều chính trị gia nước này tỏ ra nghi ngờ có sự can thiệp của nước ngoài khiến kết quả bầu cử không chính xác.

Nhiệm vụ trước mắt của tân Chính phủ Romania là phải ấn định ngày bầu cử mới và toàn bộ tiến trình bầu cử sẽ được tiến hành lại từ đầu. Hiện tại, 3 đảng trong liên minh cầm quyền đã nhất trí ủng hộ một ứng cử viên tổng thống duy nhất là ông Crin Antonescu, cựu lãnh đạo PNL để tập trung phiếu của các cử tri, ngăn chặn phe cực hữu giành chiến thắng.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những năm gần đây, sự ủng hộ đối với các đảng chính thống đã bị suy yếu do nhiều tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng lên đời sống xã hội, bao gồm đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Cử tri cũng tức giận vì tình trạng chia rẽ nội bộ chính trị và tham nhũng gia tăng. Chính vì vậy, các đảng cực hữu đã giành được 35% số ghế tại cơ quan lập pháp. Trong khi đó, 54% số ghế của liên minh cầm quyền chỉ là một tỷ lệ quá bán mong manh, không bảo đảm sự chắc chắn khi cần thông qua các chính sách quan trọng.

Theo Giáo sư Sergiu Miscoiu, thuộc Đại học Babes-Bolyai, "bài kiểm tra” đầu tiên sẽ là cuộc bỏ phiếu cho dự thảo ngân sách năm 2025. Việc giành được đa số phiếu bầu để vượt qua ứng cử viên cực hữu trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới cũng không phải là chuyện dễ dàng đối với liên minh cầm quyền.

Thách thức tiếp theo đối với Chính phủ do Thủ tướng Marcel Ciolacu đứng đầu là giảm thâm hụt ngân sách từ mức 8,6% sản lượng kinh tế trong năm nay - mức lớn nhất của EU - xuống còn khoảng 7% vào năm 2025.

Trong thông báo được đưa ra ngày 25-12, Chính phủ Romania hứa hẹn chi 155 tỷ euro vào đầu tư công trong 5 năm tới. Con số này chiếm khoảng 6-7,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm, bao gồm hoàn thành 3 bệnh viện khu vực, xây dựng 10 bệnh viện mới, hiện đại hóa 17 bệnh viện, xây dựng 200 trung tâm y tế cộng đồng tích hợp tại các khu vực thành thị và nông thôn, cung cấp thiết bị cho 2.600 phòng khám.

Hơn 27 tỷ euro sẽ được đầu tư để hoàn thành mạng lưới 2.000km đường cao tốc và hơn 2.700km hạ tầng cơ sở đường sắt. Ngoài ra, Chính phủ Romania sẽ chi hơn 16 tỷ euro trong 4 năm tới nhằm nâng cấp và cải tạo hệ thống thủy lợi, đầu tư cho các nhà máy chế biến thực phẩm mới, hỗ trợ lưu trữ và đóng gói sản phẩm. Cùng với đó là hơn 6 tỷ euro sẽ được đầu tư vào hệ thống giáo dục.

Đáng chú ý là chiến lược đầu tư nhằm kích thích tăng sản lượng công nghiệp ở Romania thông qua các chương trình viện trợ và bảo lãnh của Nhà nước với kinh phí 10 tỷ euro mỗi năm (6-7,5% GDP). Kế hoạch phát triển 300 thành phố có dân số dưới 100.000 người nhằm giảm chênh lệch phân bổ cư dân, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng địa phương cũng đang được thúc đẩy.

Các nhà phân tích cho rằng, việc thành lập Chính phủ mới tại Romania sẽ giảm bớt sóng gió trên chính trường thời gian qua. Tuy nhiên, để đưa đất nước vượt qua các thách thức vĩ mô về kinh tế - xã hội, hướng tới sự ổn định bền vững sẽ không phải là câu chuyện có thể làm được trong một sớm, một chiều.