Phim Việt về đề tài hàn gắn tình cảm gia đình: Chất lượng nghệ thuật có tương xứng với doanh thu
Giải trí - Ngày đăng : 10:42, 12/02/2023
“Cú chạm mạnh” của câu chuyện thị dân
Năm 2021, bộ phim “Bố già” của Trấn Thành “làm mưa làm gió” ở các phòng vé, đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng (theo công bố của nhà phát hành) và trở thành phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất từ trước tới nay. Năm 2023 xuất hiện câu chuyện tương tự: “Nhà bà Nữ” lập kỷ lục doanh thu với gần 400 tỷ đồng cho tới thời điểm hiện tại, chiếm tới hơn 70% doanh thu phòng vé dịp Tết.
Cả hai bộ phim khiến người xem ùn ùn ra rạp nói trên đều mang đến cho khán giả câu chuyện gia đình của tầng lớp thị dân bình dân ở thành phố Hồ Chí Minh với những con người vừa vất vả mưu sinh, vừa phải đấu tranh để níu giữ gia đình khỏi những đổ vỡ, tổn thương.
Trong “Bố già”, nhân vật chính là Ba Sang - người đàn ông "gà trống nuôi con", vừa đau đầu giải quyết những xung đột trong gia đình lớn với những người anh chị em của mình, vừa cố gắng tìm tiếng nói chung với cậu con trai là một YouTuber.
Trong “Nhà bà Nữ”, nhân vật chính - bà Nữ, một người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ cũng cố gắng “giương vây” để bảo vệ cho hai cô con gái theo cách riêng. Trong vòng quay cuộc sống mưu sinh vất vả chốn đô thị và tình yêu thương mang màu sắc của sự ích kỷ, người ta dễ trở nên cay nghiệt và làm tổn thương lẫn nhau.
Bỏ qua những đánh giá về mặt nghệ thuật đang gây tranh cãi trong cộng đồng những người yêu phim, không thể phủ nhận tính hấp dẫn với đại chúng của hai bộ phim kể trên mà việc bán được rất nhiều vé là minh chứng. Trấn Thành đã mang đến cho khán giả một câu chuyện hết sức bình dân, gần gũi mà người ta có thể gặp ở bất kỳ đâu, với một lối kể ồn ào nhưng cũng có nhiều nét duyên dáng.
Trên các diễn đàn, khá nhiều khán giả có chung nhận xét rằng phim đã “chạm” đến họ, đến những vấn đề của gia đình họ và những gia đình xung quanh mà họ biết - nhất là mâu thuẫn mang tính thế hệ giữa cha mẹ và con cái, kiểu yêu thương “độc hại” của những người cha người mẹ luôn muốn kiểm soát con cái và sự vùng vẫy, phản kháng của những đứa trẻ. Chính vì vậy, phim dễ gây xúc động.
Trên trang cá nhân, cây bút phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đánh giá: “Với tôi, hai kỷ lục phòng vé của “Bố già” và “Nhà bà Nữ” có được là nhờ Trấn Thành khai thác những chất liệu bình dân của đời sống xã hội Việt Nam đương đại, chạm vào được những vết thương kiểu "vô thức tập thể" rồi tìm cách chữa lành và để lại những bài học vừa vặn. Nói cách khác, phim của anh là dòng phim về thị dân và đưa ra được triết lý bình dân gần gũi. Thế nên khán giả cứ thế rồng rắn đến rạp xem phim thôi. Cả hai phim đều có lối kể chuyện đậm chất tự sự, cho phép người dẫn chuyện được quyền thể hiện cái tôi cá nhân, góc nhìn đậm tính chủ quan. “Bố già” đơn giản chỉ là chuyện cha con, là tình phụ tử; “Nhà bà Nữ” là chuyện mẹ con, tình mẫu tử. Cả hai đều thể hiện góc nhìn của hai đứa con trong mối quan hệ bất hòa, xung đột thế hệ với bố, mẹ của chúng. Thầy Thích Nhất Hạnh nói "hiểu rồi mới thương", thì cả hai phim này đều phô ra cái tình thương đầy "toxic" giữa cha mẹ với con cái, tức là tình thương "độc hại", nhưng đó mới chính là cái vết thương, cái "vô thức tập thể" của người Việt từ đời này sang đời khác. "Hiểu rồi mới thương", 4 từ đơn giản ngắn gọn của thầy Thích Nhất Hạnh nhưng đôi khi chúng ta phải trả giá thật đắt mới nhận ra. Cả hai phim của Trấn Thành đều cho khán giả thấy được điều đó... Thành công của hai bộ phim này, với tôi, đơn giản là chúng chạm vào được một chủ đề lớn, gần gũi, phổ quát, đậm đặc chất thị dân và đưa ra những triết lý bình dân có tính chữa lành của người Việt Nam đương đại”.
Đề tài gia đình - “mỏ vàng” của điện ảnh Việt?
Cuộc sống hiện đại đang đặt gia đình Việt trước rất nhiều vấn đề có tính thách thức, thậm chí làm đảo lộn nhiều quan điểm, giá trị có tính truyền thống. Số liệu thống kê cho thấy, số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện ở mức 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Cuộc sống với nhiều mâu thuẫn khiến không chỉ các cặp đôi trẻ mà nhiều cặp đôi đã chung sống với nhau lâu năm cũng đi đến quyết định này.
Con số này chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, bởi bên cạnh sự đổ vỡ trong hôn nhân dẫn đến ly hôn, gia đình Việt hiện nay còn đứng trước nhiều vấn đề khó giải quyết như sự xa cách thế hệ, mâu thuẫn trong quan điểm, cách sống, áp lực học hành, kiếm tiền... đang dẫn đến những tổn thương khó chữa lành cho các thành viên trong gia đình.
Thực tế ấy cho thấy, những vấn đề về gia đình là một đề tài mang tính phổ quát và cũng dễ tiếp cận đối với văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Thành công lớn về mặt khán giả của các bộ phim về đề tài gia đình đã chứng minh đây là đề tài mà công chúng yêu thích - cả trên màn ảnh nhỏ lẫn màn ảnh rộng. Người xem dễ tìm thấy ở phim sự đồng cảm, thậm chí được xoa dịu, khơi gợi khát khao hàn gắn những tổn thương gia đình. Với phim truyền hình, những bộ phim đi sâu vào đời sống gia đình như “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”... đều được đánh giá là "phim quốc dân" với lượng người xem đông đảo.
Còn trên màn ảnh rộng, những bộ phim có doanh thu ổn định và ở mức cao thường là phim tâm lý xã hội, phim gia đình. 400 tỷ đồng doanh thu như đã thấy với hai bộ phim kể trên của Trấn Thành là một kỷ lục mà những thể loại phim khác khó có thể mơ tới.
Tuy nhiên, chất lượng nghệ thuật của những bộ phim về đề tài gia đình dường như chưa tương xứng với kỳ vọng. Nhiều phim truyền hình thành công về đề tài này lại là phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài hoặc làm lại từ phim khác, chẳng hạn như “Sống chung với mẹ chồng” được làm lại từ phim Trung Quốc, “Về nhà đi con” được làm lại từ phim “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc”... C
òn hai bộ phim có tính hiện tượng như “Bố già” và “Nhà bà Nữ” cũng chỉ được đánh giá là phiên bản rút gọn của dòng phim webdrama, đậm tính kịch. Dù được nhiều khán giả yêu thích, song theo nhận định của nhiều nhà phê bình điện ảnh, những bộ phim này không có nhiều sự sáng tạo về mặt nghệ thuật mà mới dừng ở mức chiều theo thị hiếu của người xem.
Sẽ là lý tưởng nếu một tác phẩm vừa hấp dẫn người xem, có doanh thu cao, vừa giàu tính nghệ thuật. Song, thiết nghĩ, cũng không nên tạo áp lực quá lớn với các nhà làm phim bởi mỗi người theo đuổi một mục tiêu khác nhau. Ở dòng phim về gia đình, điều cần có là khi rời rạp, người xem thấy cần phải yêu thương, trân trọng hơn gia đình của mình, có lẽ với họ thế là đủ!