Đại tướng Nguyễn Quyết và những kinh nghiệm quý báu trong xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Lần giở lại những trang sử vàng của Thủ đô Hà Nội, Đại tướng Nguyễn Quyết nổi lên là một nhân vật đặc biệt.
Ông là vị Bí thư Thành ủy trẻ tuổi nhất, lãnh đạo Hà Nội ở một thời điểm lịch sử quan trọng với dấu ấn đậm nét trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua đó để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cần được chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Luôn quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng để xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Điểm nổi bật trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng và “Lời kêu gọi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lãnh đạo quân dân Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, trực tiếp góp phần dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945.
Bài học kinh nghiệm này đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Bởi sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Trong giai đoạn mới khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội, một trong những giải pháp quan trọng là phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ thành phố toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kết hợp giữa tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thượng tôn pháp luật với xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, qua đó góp phần hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[1]. Đồng thời, Đảng bộ thành phố cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong các phong trào hành động cách mạng, phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, để Hà Nội mãi xứng đáng với những ngôn từ cao quý: “Hà Nội là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”; “Hà Nội là hồn thiêng sông núi”; “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”; “Hà Nội văn hiến và anh hùng”; “Hà Nội niềm tin và hy vọng”; “Hà Nội là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; “Thành phố vì hòa bình”...
Kế thừa bản lĩnh, trí tuệ của Đại tướng Nguyễn Quyết, đặc biệt là trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, để tiếp tục quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng, hơn lúc nào hết, Đảng bộ thành phố Hà Nội cần tiếp tục nắm vững bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn đất nước, xu thế thời đại để hoạch định đường lối, chủ trương đúng đắn trong xây dựng, phát triển Thủ đô ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, cần tiếp tục khơi dậy khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, “dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm, có khát vọng phát triển”. Bởi một Thủ đô năng động, phát triển, văn hiến, văn minh, hiện đại chỉ có thể được hiện thực hóa khi khơi dậy được khát vọng cống hiến của toàn dân, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị thành phố giữ vai trò chủ đạo.
Dựa vào dân, lấy dân làm gốc để xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Có thể khẳng định, “Dựa vào dân”, “lấy dân làm gốc” là bài học kinh nghiệm quý được đúc kết từ suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Khi trả lời vua Anh Tông, Trần Quốc Tuấn đã chỉ rõ: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”[2]. Còn Nguyễn Trãi đã khái quát sức mạnh của nhân dân: “Chở thuyền, đắm thuyền cũng lại là dân”[3] và “Chìm thuyền mới biết dân như nước”[4].
Đề cập đến vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, V.I.Lênin khẳng định: “Cuộc cách mạng chỉ thực sự là một cuộc cách mạng khi nào hàng chục triệu người đồng lòng hăng hái nổi dậy”[5]. Quán triệt tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến vai trò của nhân dân, sức mạnh của “lòng dân” trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước lấy dân làm gốc”… “Gốc có vững cây mới bền”, “Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[6]. Từ chỗ coi “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”[7], Người nhắc nhở cán bộ: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”[8]. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[9], “Trong cuộc kháng chiến kiến quốc lực lượng chính là ở dân”. Vì vậy, Hồ Chí Minh chủ trương “Cách làm là: dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”[10].
Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc và trên cơ sở quán triệt, vận dụng sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết đã dựa chắc vào nhân dân, lấy quần chúng cách mạng làm lực lượng chủ yếu, có lực lượng quân sự làm nòng cốt, hỗ trợ đắc lực, do đó khởi nghĩa đã thắng lợi trọn vẹn, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân.
Trong giai đoạn mới, vận dụng bài học dựa vào dân, lấy dân làm gốc được Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết đúc kết trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội để xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại là nội dung mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc với những giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Hà Nội phải tập trung huy động trí tuệ của toàn Đảng bộ, khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm của mỗi người dân Thủ đô; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô - thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trong đó, người dân thủ đô là trung tâm của quá trình phát triển, chất lượng cuộc sống của mọi người dân được đặt lên hàng đầu. Chỉ có như vậy mới phát huy được hết sức mạnh của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Hai là, Hà Nội cần nhận thức sâu sắc hơn và giải quyết hiệu quả hơn nữa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế nhanh, bền vững trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến chăm lo phát triển, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Nội, chăm lo cải thiện, bảo vệ môi trường xã hội, văn hóa, sinh thái, nâng cao chỉ số con người, chỉ số hạnh phúc. Đây chính là những thước đo thiết thực nhất, phù hợp với lòng dân nhất về tính ưu việt của Thủ đô xã hội chủ nghĩa… Thực hiện tốt được những yêu cầu đó là một trong những biện pháp quan trọng để tiếp tục khơi dậy khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Ba là, cần tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, một động lực quan trọng phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Đồng thời, không ngừng bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô. Chỉ có như vậy, khát vọng cống hiến của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao, góp phần nhiều hơn nữa cho việc xây dựng một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Bốn là, quần chúng nhân dân trên địa bàn Thủ đô chính là rường cột cho dựng xây, phát triển và là bệ đỡ cho khát vọng dân tộc. Mỗi người dân nơi đây, cho dù có nguồn cội từ bốn phương về sinh sống, lập nghiệp, làm việc trên địa bàn Thủ đô, hay là những người kiêu hãnh vốn là người Tràng An thì họ đều là những nhân tố góp nên khối đại đoàn kết, cùng chung sức đồng lòng vun đắp Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Do đó, trong bối cảnh mới, cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nếu thực hiện tốt phương châm này, mỗi người dân sẽ là một động lực xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Tưởng nhớ và tri ân Đại tướng Nguyễn Quyết, việc chắt lọc, vận dụng tấm gương đạo đức, những bài học kinh nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt là những kinh nghiệm trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 vận dụng trong xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại là đặc biệt quan trọng và cần thiết. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn vinh dự, tự hào về những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Quyết đối với sự phát triển Thủ đô.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011 tr.622.
[2] Ngô Sỹ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb KHXH, 1993, tr.79.
[3] Nguyễn Trãi, “Quân trung từ mệnh tập”, in trong Nguyễn Trãi toàn tập (Ức Trai thi tập), Hoàng Khôi biên dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001, tr.396.
[4] Nguyễn Trãi, “Quan hải”, in trong Nguyễn Trãi toàn tập (Ức Trai thi tập), Hoàng Khôi biên dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001, tr.60
[5] V.I. Lênin, Toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr.613.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 5, tr.501-502.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr.19.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 15, tr.142.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 10, tr.453.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, Tập 5, tr.556.