Thế giới

Pháp công bố Chính phủ mới:Nỗ lực hóa giải thế bế tắc

Hoàng Linh 25/12/2024 - 07:03

Nội các vừa mới thành lập dưới quyền của Thủ tướng Francois Bayrou đánh dấu Chính phủ thứ tư của nước Pháp trong năm 2024. Đây được xem là nỗ lực quan trọng nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị vốn kéo dài từ sau cuộc bầu cử Quốc hội sớm hồi tháng 6-2024.

tt-phap.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Francois Bayrou.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo thành lập nội các mới dưới quyền Thủ tướng Francois Bayrou. Trong bài đăng cùng ngày trên mạng xã hội X, Thủ tướng Pháp Francois Bayrou - Thủ tướng thứ sáu trong nhiệm kỳ của ông Emmanuel Macron bày tỏ tự hào về các thành viên nội các mới, nhấn mạnh Chính phủ "dày dạn kinh nghiệm" này sẽ hướng tới mục tiêu "xây dựng lại lòng tin". Theo kế hoạch, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên với nội các mới vào ngày 3-1-2025.

Truyền thông Pháp cho biết, nội các mới bao gồm 35 nhân sự, quy tụ nhiều chính trị gia lão luyện. Trong đó, cựu Thủ tướng Elisabeth Borne được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. Cựu Thủ tướng Manuel Valls được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Lãnh thổ hải ngoại. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin trở thành Bộ trưởng Tư pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu và Ngoại trưởng Jean-Noel Barrot tiếp tục đảm nhiệm chức vụ. Bộ trưởng Nội vụ Bruno Retailleau, người đã cam kết sẽ đối phó với tình trạng nhập cư bất hợp pháp và Bộ trưởng Văn hóa Rachida Dati, cũng giữ nguyên chức vụ. Một vị trí đáng chú ý là Bộ trưởng Kinh tế - chiếc “ghế nóng” được dự báo sẽ đối mặt nhiều thách thức trong xây dựng kế hoạch ngân sách năm 2025 - sẽ do ông Eric Lombard đảm nhiệm.

Theo các nhà quan sát, việc Pháp xây dựng Chính phủ mới với thành viên đa dạng, thuộc cả cánh hữu, trung dung và cánh tả, là lựa chọn hợp lý để tránh các tình huống xấu, như lạm dụng Điều 49.3 để thông qua các dự luật, hay bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, có thể dẫn tới phải giải tán giống như các Chính phủ trước đây. Trước đó, Thủ tướng Michel Barnier chỉ sau 3 tháng nắm quyền đã mất chức sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tháng 12 vừa qua, trở thành Thủ tướng Pháp có nhiệm kỳ ngắn nhất kể từ năm 1958. Mặt khác, việc đưa hai cựu Thủ tướng vào nội các mới còn cho thấy mong muốn của Tổng thống Emmanuel Macron trong việc hình thành một Chính phủ có sức ảnh hưởng, ổn định.

Các ý kiến phân tích cũng nhận định, Chính phủ với thành phần đa dạng hơn sẽ mở ra cơ hội thay đổi thế cục bế tắc của nền chính trị Pháp từ sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 6-2024. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đặt cược vào cuộc bầu cử sớm mùa hè này với hy vọng củng cố quyền lực của mình. Tuy nhiên, chiến lược này đã phản tác dụng khi cử tri bầu ra một Quốc hội bị chia rẽ giữa ba khối đối lập. Thời gian qua, cả liên minh trung dung cầm quyền, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (RN) đều không hội đủ số ghế để lập Chính phủ đa số, do đó đã tạo thành "quốc hội treo" gồm ba khối đối lập với những cương lĩnh khác biệt và không có truyền thống làm việc cùng nhau. Hệ quả là, các Thủ tướng được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm đều không nhận được đủ sự ủng hộ từ NFP và RN để thông qua các quyết sách. Trong bối cảnh đó, nội các mới có thể còn gặp thách thức khi chưa có bất kỳ đại diện nào từ NFP, dù đây là lực lượng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Dù thế nào, việc bắt tay vào giải quyết nhiệm vụ điều hành đất nước vẫn cần được xúc tiến khẩn trương. Ưu tiên của Thủ tướng Francois Bayrou là bảo đảm Chính phủ có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và thông qua ngân sách cho năm 2025. Cùng với đó là giảm áp lực di cư và giảm tình trạng phạm pháp.

Ngoài ra, Pháp cũng cần củng cố thị trường tài chính vốn đang dao động sau những biến cố chính trị. Pháp đang chịu áp lực từ Liên minh châu Âu để giảm khoản nợ khổng lồ của mình. Thâm hụt của nước này ước tính sẽ đạt 6% Tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay và các nhà phân tích cho biết con số này có thể tăng lên 7% vào năm tới nếu không có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Bất ổn chính trị có thể đẩy lãi suất của Pháp lên cao, khiến nợ càng tăng cao hơn.

Nhìn chung, việc thành lập Chính phủ mới có thể coi là một lần “khởi động lại” các nỗ lực hóa giải thế bế tắc mà Tổng thống Emmanuel Macron và các đối tác đang vấp phải. Việc bổ sung tiếng nói đa dạng từ các lực lượng chính trị được coi là một bước đi hợp lý, nhưng để tìm ra lối thoát thực sự vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi những chiến lược đúng đắn và hài hòa hơn nữa.