Ra mắt “Tự truyện của một Geisha” bản dịch mới của Nguyễn Bích Lan
Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn “Tự truyện của một Geisha” – một trong những kiệt tác văn học, làm say đắm độc giả trên toàn thế giới của tác giả Arthur Golden, với bản dịch mới của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan.
Được xuất bản lần đầu vào năm 1997, “Tự truyện của một Geisha” nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu, đi vào lịch sử xuất bản với hơn 4 triệu bản bán ra tại Mỹ và được dịch sang 32 ngôn ngữ, chứng minh sức hấp dẫn không ngừng của câu chuyện về thế giới bí ẩn của geisha Nhật Bản.
Bản dịch mới cuốn tự truyện này gồm 630 trang, kể về cuộc đời của cô bé Chiyo 9 tuổi xuất thân từ một làng chài nghèo ở thị trấn Yoroido, đã bị lừa bán cho một nhà geisha ở Tokyo (Nhật Bản).
Đương đầu với hết mất mát này đến tai ương khác trong một thế giới đầy khắc nghiệt và tàn nhẫn, với quyết tâm phi thường, cô bé ấy không chỉ sống sót mà còn trở thành một geisha xuất sắc. Trải qua những tháng ngày khổ cực gần như tuyệt vọng, Chiyo đã gặp được một người đàn ông mang lại cho cô những rung động trong tim, thắp lên trong lòng cô ngọn lửa của tình yêu và sức mạnh, là động lực để Chiyo quyết tâm trở thành một geisha nổi tiếng để có thể tiếp cận người đàn ông duy nhất của đời mình…
“Tự truyện của một Geisha” không chỉ là một câu chuyện về một cô gái trẻ đối mặt với bao khắc nghiệt để có thể trở thành một geisha xuất sắc, mà còn là hành trình tìm kiếm tình thương yêu và lòng nhân ái trong một thế giới đầy khó khăn.
Điểm độc đáo của tác phẩm nằm ở cách tác giả Arthur Golden tái hiện chi tiết và chân thực thế giới nội tâm của một geisha, nơi vẻ đẹp, nghệ thuật và sự kìm nén cảm xúc hòa quyện với những đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt. Đằng sau chiếc kimono lộng lẫy là những câu chuyện về ước mơ, sự hy sinh và lòng kiên định.
“Tự truyện của một Geisha” không chỉ cho thấy bức tranh xã hội và văn hóa Nhật Bản thời hoàng kim của những geisha, tác phẩm còn là tiếng nói cảm thông, chia sẻ và trân trọng những người phụ nữ trong xã hội Nhật Bản xưa, vai trò của họ và cách họ phải đối mặt với áp lực và kỳ vọng từ xã hội.
Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan được biết đến là một tấm gương tự học, một người đầy nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Chị mắc bệnh nan y loạn dưỡng cơ và không thể đến trường. Chị tự học tiếng Anh, đọc sách, dạy học, viết truyện, làm thơ, dịch sách. Trước cuốn “Tự truyện của một geisha”, chị đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới và được yêu thích. Năm 2010, chị nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2020, cuốn sách “Được học” (Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam) do chị chuyển ngữ nhận giải C Giải thưởng Sách quốc gia.