Nhiều điểm sáng tích cực trong công tác trẻ em
Cùng với sự đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác trẻ em, trong năm 2024, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động được 115 tỷ đồng (đạt 104,5% kế hoạch năm 2024), ước tính hỗ trợ cho 118.000 lượt trẻ em (đạt 107,3% so với kế hoạch năm) với tổng kinh phí vận động hỗ trợ ước tính hơn 105 tỷ đồng.
Ngày 24-12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị về công tác trẻ em năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo trong lĩnh vực trẻ em.
Khẳng định năm 2024, hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam đã nêu bật một vài điểm nhấn ấn tượng trong công tác trẻ em. Cụ thể, trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, đã có 1.657 công trình được xây mới và nâng cấp; trên 2,2 triệu trẻ em được tặng quà với tổng kinh phí trên 190 tỷ đồng; trên 58 nghìn trẻ em được cấp học bổng với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng; 28 nghìn trẻ em được khám chữa bệnh miễn phí tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng. Ngân sách dành cho Tháng hành động vì trẻ em tại các địa phương là gần 369 tỷ đồng.
Công tác chăm sóc trẻ em dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Tết Trung thu, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão lũ năm 2024 cũng được chú trọng. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tổng kinh phí dành cho trẻ em đạt trên 864,3 tỷ đồng, hỗ trợ cho 765.500 trẻ em. Kinh phí của các địa phương và vận động dành cho hoạt động Tết Trung thu năm 2024 đạt 622,8 tỷ đồng, tập trung vào công tác tặng quà, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão lũ, góp phần tăng cường giáo dục tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” cho trẻ em.
Đáng chú ý, tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc bổ sung căn cước công dân trên hệ thống phần mềm quản lý trẻ em tại cơ sở cho 16,6 triệu trẻ em từ 0-16 tuổi và 18,5 triệu trẻ em từ 0-18 tuổi.
Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trong năm 2024 vận động được 115 tỷ đồng (đạt 104,5% kế hoạch năm 2024), ước tính hỗ trợ cho 118.000 lượt trẻ em (đạt 107,3% so với kế hoạch năm) với tổng kinh phí vận động hỗ trợ ước tính hơn 105 tỷ đồng.
Hiện nay, ước tính dân số trẻ em là trên 25 triệu trẻ em (tỷ lệ trên 25,5% trên tổng dân số), trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên 1,7 triệu trẻ em (tỷ lệ 6,7% trên tổng dân số trẻ em). Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực. Công an 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, quản lý và sử dụng mô hình Phòng điều tra thân thiện khi thụ lý các vụ án xâm hại trẻ em và các vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng... Đặc biệt là tăng cường công tác đấu tranh, áp dụng biện pháp ngăn chặn truy cập từ trong nước đối với hơn 50.000 trang mạng đặt máy chủ tại nước ngoài có nội dung không phù hợp với trẻ em.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã trình bày tham luận, thảo luận xung quanh việc nghiên cứu, rà soát, tổng kết, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực trẻ em; việc thực thi chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; nâng cao năng lực của nhân lực quản lý nhà nước về thực hiện quyền trẻ em và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở địa phương…
Nhiều ý kiến thống nhất phải luôn quán triệt kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phải linh hoạt, quyết liệt, sâu sát, hiệu quả, cụ thể đến từng khâu, từng công đoạn, từng địa bàn, từng đối tượng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công việc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; đồng thời, quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em.