Lan tỏa giá trị văn hoá của Lễ hội đền Đồng Nhân
Sáng 24-12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Đền Đồng Nhân (lễ hội Đền Hai Bà Trưng), phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, lễ hội đền Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng là một trong những lễ hội đặc sắc của người dân địa phương nói riêng và người dân Hà Nội nói chung. Lễ hội được tổ chức hằng năm từ ngày 5 đến 7 tháng Hai âm lịch tại miếu thờ Hai Bà Trưng - phường Bạch Đằng và đền Hai Bà Trưng - phường Đồng Nhân.
Hội đền Hai Bà Trưng là lễ hội lớn ở kinh thành xưa, không chỉ thu hút hàng ngàn người tham gia mà đây còn là dịp phát huy truyền thống yêu nước, là động lực để khích lệ mọi người hăng say hơn nữa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn dân gian, truyền thống thực hành trong lễ hội không chỉ tạo nên không khí vui tươi lành mạnh, một món ăn tinh thần trong cộng đồng mà còn tạo nên sự gắn kết, hòa hợp giữa các cá nhân trong cộng đồng.
Tại hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, các lễ hội dân gian là của nhân dân, vì thế cộng đồng người dân có vai trò quan trọng trong việc nắm giữ hồn cốt, bảo tồn và phát huy lễ hội. Ngành văn hóa Thủ đô mong muốn, giá trị đặc trưng của Lễ hội đền Đồng Nhân có thể lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến.
Đánh giá ý nghĩa và giá trị của Lễ hội đền Đồng Nhân, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định, lễ hội vẫn giữ được tục kết chạ, giao hiếu - một phong tục đẹp, góp phần tăng cường tình đoàn kết, cố kết cộng đồng làng có di tích thờ Hai Bà Trưng.
Riêng trên địa phận thành phố Hà Nội có 3 đền thờ nổi tiếng là đền Đồng Nhân, đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) và đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ). Nét đặc trưng là ở 3 ngôi đền này hằng năm đều có tổ chức lễ hội lớn có tính liên vùng. Việc tạo sự gắn kết sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của cả 3 ngôi đền nói trên là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng dự án chung bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội ở đền thờ Hai Bà Trưng nhằm tạo ra hệ sinh thái du lịch di sản với các sản phẩm du lịch đặc sắc không bị trùng lặp cho cả 3 lễ hội lớn.
“Cần tổ chức các tour du lịch di sản sẽ tạo cơ hội cho cộng đồng sáng tạo ra nhiều loại hình sản phẩm du lịch độc đáo của từng địa phương, qua đó, góp phần bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội 3 đền thờ Hai Bà Trưng”, PGS.TS Đặng Văn Bài gợi ý.
Tại hội thảo, các đại biểu nhà khoa học, nhà chuyên môn tại tọa đàm cũng cho rằng, vai trò của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền Đồng Nhân. Mặt khác, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không chỉ ở cộng đồng dân cư sinh sống lâu năm tại địa phương mà còn cần sự tham gia cả những người trẻ tuổi…
Lễ hội đền Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng được các nhà khoa học, nhà chuyên môn nhận định hoàn toàn xứng đáng để được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, quận Hai Bà Trưng tiếp tục phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy trình và sẽ báo cáo thành phố.