Kinh tế

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 đạt gần 800 tỷ USD, lập kỷ lục mới

Lam Giang 24/12/2024 - 07:19

Chiều 23-12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn dự và phát biểu chỉ đạo.

san-xuat-hang-may-mac-xuat-.jpg
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Đỗ Tâm

Báo cáo kết quả công tác năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ đã tạo đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, với trọng tâm là việc chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thông qua chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều chính sách mới, tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo… Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cung - cầu các mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó, xuất, nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế, với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng 8,4%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10%.

Đáng chú ý, thương mại điện tử vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD; thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc với tốc độ 9%... Bộ cũng chủ động, quyết liệt sắp xếp bộ máy “tinh, gọn, mạnh”, tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ.

Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2024; xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 12% so với năm 2024; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10% so với năm 2024; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kWh, tăng khoảng 12,2% so với năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, năm 2024, cả nước đạt 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 7%. Trong thành công chung, ngành Công Thương đóng góp quan trọng trên cả 2 nhiệm vụ chính là hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng cao, xuất khẩu còn phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước... là những vấn đề bất cập.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng, chuyển dịch sang năng lượng sạch là nhu cầu tất yếu. "Đặc biệt yêu cầu chuyển dịch sang năng lượng xanh, sạch là nhu cầu khách quan, tất yếu phải làm, nếu không, các nước không nhập hàng hóa của mình. Do đó, chúng ta phải thúc đẩy nhanh ngành năng lượng sạch", Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn lưu ý.

Trong năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành Công Thương tập trung tháo gỡ rào cản, xác định xây dựng thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung triển khai Luật Điện lực sửa đổi cùng với việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, hoàn thiện dự thảo và trình Quốc hội các dự luật quan trọng của ngành. Đồng thời, rà soát trình ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, phát triển ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao, phát thải các bon thấp, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia…