Kinh tế

Ngành Công Thương: Chống lãng phí đi đôi với cải cách thể chế

Lam Giang 23/12/2024 - 18:05

Phòng, chống lãng phí được ngành Công thương xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế. Trong tình hình mới, ngành chủ động nhận diện điểm nghẽn, hoàn thiện và cải cách thể chế, tạo đột phá trong chống lãng phí.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) được đàm phán và ký kết trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục. Ảnh: Đỗ Dũng
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) được đàm phán và ký kết trong thời gian ngắn kỷ lục, đã sớm mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Đỗ Dũng

Tiết kiệm hàng trăm tỷ mỗi năm

Chia sẻ về việc triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đi qua 9 tỉnh phía Bắc, Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia Phạm Lê Phú cho biết, thông thường việc triển khai các dự án điện 500kV kéo dài 4 đến 5 năm, song dự án này được thi công “thần tốc” chỉ trong 7 tháng. Đây được xem là điển hình của việc tiết kiệm, chống lãng phí nguồn điện và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.

"Việc thi công ngày đêm và nhanh chóng đưa vào sửa dụng công trình có chiều dài 519 km này đã giúp giảm tình trạng quá tải và tổn thất điện năng, tăng cường khả năng truyền tải nguồn điện lớn, tận dụng tối đa nguồn điện tái tạo. Hiệu quả rõ rệt của việc triển khai mạch 3 là khả năng kết nối các nguồn điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) với hệ thống điện quốc gia, giúp giảm lãng phí nguồn điện này bằng cách truyền tải kịp thời và hiệu quả đến các khu vực có nhu cầu sử dụng điện cao”, ông Phạm Lê Phú nói.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 sớm đi vào hoạt động còn giúp kết nối các khu vực sản xuất điện lớn với các khu vực tiêu thụ, giảm mức độ sử dụng các nguồn điện đắt đỏ, như điện than, điện dầu, từ đó giảm chi phí cho hệ thống và bảo vệ môi trường.

Đây là một trong những minh chứng về tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành Công thương thời gian qua. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, hằng năm, Bộ Công Thương đều triển khai chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong năm 2021, Bộ tiết kiệm 4,5 tỷ đồng công tác phí, 1,2 tỷ đồng chi phí hội thảo, 1 tỷ đồng tiền khánh tiết, 1,7 tỷ đồng văn phòng phẩm, thông tin liên lạc. Các doanh nghiệp do Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu tiết kiệm 10,9 tỷ đồng.

Đến năm 2022, các doanh nghiệp đã tiết kiệm hơn 290 tỷ đồng chi phí quản lý. Trong năm 2023, Văn phòng Bộ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước hơn 13 tỷ đồng (10,66% kinh phí giao), trong khi các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí quản lý lên tới 765 tỷ đồng.

Bộ cũng đặt ra một số chỉ tiêu tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia đúng đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, định mức, nội dung hỗ trợ đầu tư và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương.

Bộ đã giải quyết nhiều dự án tồn đọng giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời mở ra cơ hội huy động đầu tư, tạo thuận lợi cho sự phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng... Tiêu biểu như Bộ đã tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; rút ngắn kỷ lục thời gian đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) (16 tháng), góp phần mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam… Bộ cũng chủ động, quyết liệt tinh, gọn bộ máy, đề xuất giảm gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ.

Tạo đột phá trong chống lãng phí

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, chính sách, hằng năm, Bộ Công Thương đã ban hành và triển khai hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Ngành Công thương có tỷ lệ đóng góp rất lớn trong nền kinh tế, nếu làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen..., giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí phải mang tính đồng bộ hơn.

Từ kết quả phòng ngừa và điều tra các vụ án liên quan đến đầu tư công, quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm thời gian qua, Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) kiến nghị, cần thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thể chế hóa thành quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong kiến nghị, trọng tâm của phòng, chống lãng phí là cần thống nhất nhận thức và xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí. Cùng với đó là nâng cao chất lượng thể chế, xây dựng Nhà nước, chính quyền hiệu quả.

“Cần thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chính bất cập, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, từ đó chống bệnh quan liêu, giảm thiểu thất thoát lãng phí các nguồn lực”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.

Tiến sĩ Trần Đình Thiêm nhấn mạnh tới việc thông suốt các nguồn lực như hạ tầng giao thông, logistics, thị trường tài chính… làm nền tảng để giảm thiểu lãng phí. Cùng với đó là bảo đảm cơ chế thông thoáng trong quản lý. Cơ chế này phải có khả năng gỡ bỏ những ách tắc, cải thiện quy trình và thủ tục, cải cách thể chế, tạo đột phá trong chống lãng phí.