Gặp người yêu Vũng Tàu theo cách đặc biệt
Dù đã chụp hàng nghìn bức ảnh về một góc Bãi Sau, chỗ mũi Nghinh Phong trông ra Hòn Bà ở biển Vũng Tàu, nhưng người đàn ông U70 này vẫn đều đặn mỗi sáng sớm đến đây để chụp ảnh. Ông nói: “Tôi yêu quê hương và muốn ghi lại những khoảnh khắc luôn mới ở vị trí tưởng rất cũ này”.
Người “đặc biệt”
Lâu nay, tôi rất tò mò theo dõi trên mạng xã hội về một người đàn ông yêu Vũng Tàu và chụp ảnh về Vũng Tàu theo một cách rất đặc biệt. Đều đặn 5h sáng mỗi ngày trong nhiều năm qua, ông đều có mặt ở Bãi Sau, mũi Nghinh Phong và chụp những tấm ảnh bình minh hé rạng ở bãi biển nhìn ra Hòn Bà, rồi đăng Facebook. Hàng nghìn tấm ảnh, không tấm nào giống nhau, đều có dòng chú thích đơn giản: 19-12; 20-12; 21-12; 22-12… Quyết thỏa trí tò mò, tôi liên hệ trước rồi tìm về Vũng Tàu.
Đón tôi tại một công sở giữa khu phố cũ của thành phố Vũng Tàu nhỏ xinh, Lê Thanh Thọ, tên “người đàn ông đặc biệt”, nở nụ cười rất ấm và cái bắt tay chặt, nhưng ông kiệm lời. “Mời chú vào sân, tôi là bảo vệ ở đây”, ông nói rồi đi đun nước pha cà phê mời khách.
“Oào! Một ông bảo vệ già mê chụp ảnh! Thú vị đây!” Tôi nghĩ và hỏi liên tục khi hai người ngồi nhấm nháp ly cà phê sáng đậm đà trong bóng mát của cây bàng cổ thụ xoè rộng, che hết khoảng sân công sở. Và cứ thủng thẳng, ông kể về cách mình yêu quê hương, yêu thành phố này, nơi ông sinh ra và lớn lên theo một cách rất riêng.
“Tôi rất thích góc biển Bãi Sau nhìn ra Hòn Bà và mũi Nghinh Phong. Nơi đó là điểm ngoặt của đường ven biển bán đảo Vũng Tàu, có thể ngắm cả bình minh và hoàng hôn. Không nhiều nơi trên đất liền Việt Nam có điểm đặc biệt đó đâu. Hòn Bà cũng là hòn đảo nhỏ độc đáo ở biển Vũng Tàu. Vài ngày trong tháng, khi thủy triều xuống, người dân có thể lội biển ra đảo. Bãi cát đoạn này không thuận lợi cho tắm biển vì nhiều đá ngầm, nhưng chụp ảnh thì rất tuyệt”, ông Lê Thanh Thọ nói.
“Mỗi khi thủy triều lên và rút tạo ra những vệt cát không bao giờ giống nhau trên bãi biển. Những hòn đá cũng luôn có dáng vẻ mới khi mỗi ngày, cát lại phủ lên chúng theo những cách khác nhau. Những con sóng cũng thế, khi ào ạt mạnh mẽ, khi êm đềm hiền dịu. Cộng với khoảng trời trong đục, sáng tối trong mỗi lúc bình minh, khiến tôi có thể chụp hàng nghìn bức ảnh không giống nhau tại góc biển này. Vũng Tàu với tôi rất đẹp từ những chi tiết như thế”, ông Thọ nói tiếp.
Câu chuyện cứ thế trôi và tôi dần được biết thêm nhiều điều về người đàn ông sinh năm 1958 tại Vũng Tàu; cầm máy ảnh lần đầu tiên năm 15 tuổi và đến tận bây giờ, khi ông đã 66 tuổi. Niềm yêu thích nhiếp ảnh cũng giúp ông kết nối tốt hơn với những người trẻ tuổi trong vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên đầu tiên của phường Thắng Nhì sau thống nhất đất nước (30-4-1975) và cả khi ông làm công tác phong trào tại tổng đội thanh niên xung kích đầu tiên của địa phương.
“Tôi chụp nhiều ảnh lắm, từ những cảnh đoàn viên, thanh niên và người dân đi đắp bờ cù lao Bến Đình sau giải phóng vào mỗi buổi lao động tập thể hằng tuần đến cảnh những con sóng biển tung lên bờ kè thấp ven con đường dẫn lên Bạch Dinh… Đường thấp, sóng cao, không chú ý sẽ ướt hết cả người và máy. Vũng Tàu ngày trước đơn sơ, chưa hoàn thiện như bây giờ. Ảnh chụp xong để mình được ngắm và cùng bạn bè bình luận, chứ không đặt nặng việc mua bán. Tôi yêu mọi thứ trên mảnh đất nơi tôi sinh ra và mong ghi lại nhiều nhất có thể những gì mình thấy, mình thích, vừa để cho mình, vừa cho mọi người”, ông tâm sự.
Yêu “đặc biệt”
“Tôi mới bị ngã đấy. 3 tuần trước ra bãi sau chụp ảnh lúc sáng sớm, nhìn ra biển thấy chiếc ghe được sóng đưa lên cao nhấp nhô trong ánh bình minh, tôi thấy đẹp quá lên nhảy lên tảng đá để chụp. Mải rê ống kính theo hướng ghe chạy, tôi bước hụt và ngã nghiêng xuống cát và đá. Lúc đó không thở được, giờ người vẫn còn đau. May nhất là máy ảnh không sao, giờ tôi cũng nhúc nhắc đi chụp lại được rồi”, ông Thọ nói và đưa tôi xem những bức ảnh ông chụp đúng hôm gặp “tai nạn nghề nghiệp” đó.
Rồi ông kể về những điều khiến tôi ngỡ ngàng. Đó là quy luật biển Vũng Tàu cứ 12 con sóng nhỏ thì con sóng thứ 13 sẽ lớn. Nếu cắm chân máy trên bờ cát để chụp ảnh, phải lưu ý vị trí hoặc đếm sóng, phòng khi sóng lớn tràn lên rút cát làm đổ chân máy. Đó là những vũng cát sâu xuất hiện bất chợt không theo quy luật do xoáy nước mỗi khi thủy triều lên ở dọc Bãi Sau, người tắm biển cần lưu ý. Đó là việc không chụp ảnh khi ngư dân đang kéo lưới, bởi nhiều người cho rằng chụp lúc đó, mẻ lưới sẽ không có cá…
Biết ông thích chụp Nhà thờ Song Tân, một công trình kiến trúc mới tại thị xã Phú Mỹ, nổi tiếng đẹp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng chưa thể đi đúng dịp Noel, tôi mời ông đi chụp. Vượt quãng đường hơn 20km, tôi lại có dịp chứng kiến cách tác nghiệp rất riêng của “thợ già”. Không chụp nhanh, không chụp nhiều, ông đi một vòng quan sát nơi chụp rồi mới chọn góc đứng bấm máy. Chụp cú nào chắc cú đó.
“Nhà thờ này đẹp quá. Một công trình sau hơn 10 năm xây dựng, giờ đẹp từng chi tiết. Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng có nhiều công trình mới đẹp hơn, hiện đại hơn. Những con đường nhỏ giờ đều được mở rộng, vươn xa. Những cây cầu lớn trước kia tôi không hình dung sẽ có, giờ xuất hiện chỉ sau vài năm xây dựng. Thành phố Bà Rịa nhỏ, nay đã có khu hành chính to đẹp; đường phố khang trang. Đường ven biển Vũng Tàu trước đây vắng lặng, giờ nhộn nhịp đông vui… Mọi thứ phát triển nhanh và đáng mừng”, ông tâm sự.
Chúng tôi ăn tối trong một quán phở Bắc giữa khu phố cũ của Vũng Tàu. Theo ông Thọ, đây là 1 trong 2 quán phở của thành phố còn giữ nguyên được hương vị độc đáo của món ăn đặc sản, đặc trưng vùng miền này. Chúng tôi thống nhất sẽ sớm cùng triển khai một dự án chụp ảnh về những cây cổ thụ còn lại ở Vũng Tàu. Với ông Lê Thanh Thọ, ông còn một dự án riêng, mong chụp được những công trình cổ, cũ của thành phố trước khi chúng có thể biến mất, nhường chỗ cho những công trình mới hiện đại hơn mọc lên.
“Tiền dành dụm tôi sẽ chi một phần cho máy ảnh, ống kính và chụp ảnh. Tôi mong chụp thêm được nhiều ảnh đẹp nữa về quê mình”, ông nói và bắt tay tôi thật chặt trước khi ra về.