Văn nghệ

Văn công cũng là chiến sĩ

Thảo Huyền 23/12/2024 - 15:33

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả trong thời kỳ chiến tranh biên giới, Quân đội nhân dân Việt Nam đều tổ chức lực lượng văn công xung kích ra tận chiến trường để biểu diễn, động viên bộ đội. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân rất yêu mến và gọi họ là lực lượng “binh chủng ca”.

van-cong.jpg
Một tiết mục đơn ca nữ của Thúy Liễu phục vụ tại trận địa pháo cao xạ 37 ly, năm 1968. Ảnh tư liệu của Đoàn văn công Tỉnh đội Quảng Bình

Đại tá Phạm Thanh Tâm, nguyên Giám đốc Xưởng mỹ thuật Quân đội kể, sau những ngày chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn văn công Đại đoàn 351 cử 5 cô gái trẻ cùng với các nghệ sĩ Minh Tiến, Trọng Lanh, Vinh, Viện... có mang theo nhị, sáo và cây đàn banjo alto đi biểu diễn ngay trên trận địa. Sàn diễn nằm trong hầm, là khoảng đất bé tẻo teo giữa hai càng pháo mở rộng.

Ba nghệ sĩ Tý, Lương, Ngọc mang trên mình bộ quần áo tứ thân với bồ tượng xanh hoa lý, yếm đỏ, với dải lụa hoa hồng. Họ ngân lên câu hát: “Ai xui là xui cây lúa chín a lúa nặng trĩu bông í, ì, i... Em mong anh về gặt hái lúa giúp em í, ì, i...”. Các cô múa lượn, điệu múa dân gian, lượn tròn giữa hai càng pháo, ấn tượng màu hồng - bấy giờ vẫn còn tiết xuân Giáp Ngọ - như những cánh hoa đào - đôi tay cánh mềm với dải lụa hồng lướt qua, vuốt trên mái tóc các pháo thủ đang ngồi xem...

Anh Viện - một nghệ nhân quê Thái Bình ở đơn vị mới tuyển về Văn công với tiếng nhị điêu luyện thật rộn ràng tôn thêm nét múa... Rồi tiếng sáo “Nhị lang sơn”, rồi hợp ca “Xẩm xoan” theo nhịp phách của cô Thúy; rồi Minh Tiến; Trọng Lanh, Phạm Vinh, Hữu Quỳnh cùng hát “Tổ quốc mỹ lệ”, rồi ngâm thơ Tố Hữu “Sáng tháng 5”... Cùng thời điểm ấy, văn công Đại đoàn 312 đứng hát ở ngã ba chiến hào động viên bộ đội xuất kích đi qua. Trong đoàn có Phan Đình Giót, anh rất vui, cảm động và hứa sẽ có “quà” tặng văn công. Nhưng rồi anh không về nữa!... Rồi chuyện cây đàn accordion mà Thanh Phúc kéo là do chiến sĩ ta thu được ở đồn Him Lam mang về tặng văn công...

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Đoàn văn công Quân giải phóng Trường Sơn chia thành nhiều tốp nhỏ, trang bị ba lô đựng trang phục biểu diễn, vai đeo đàn và tăng âm loa đài, hành quân biểu diễn dọc theo Trường Sơn hùng vĩ. Văn công cũng là chiến sĩ, nên chuyện đổ máu với họ cũng không có gì là lạ.

Thiếu tá Nguyễn Trọng Hạp nguyên là văn công Trường Sơn, nay ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, Nguyễn Trọng Hạp được phân công về công tác tại Đoàn văn công Việt Bắc rồi làm đơn tình nguyện đi B. Ông được về đội múa Đoàn văn công Tổng cục Hậu cần (sau đó Đoàn đổi tên là Đoàn văn công Quân giải phóng Trường Sơn). Ông cho biết, Đoàn văn công ngày ấy có đội múa gồm Ngọc Minh (biên đạo múa), Văn Quy, Văn Cương, Mai Linh, Ngọc Lam, Văn Ban, Trọng Hạp (nam múa) và An Ninh, Thanh Hà, Quỳnh Dung (nữ múa). Đội ca có Hoàng Chè, Tường Thụ... Đội nhạc có Lưu Minh, Đỗ Bằng... Đoàn đóng quân tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Một lần trên đường đi biểu diễn, khi xe ô tô chở nhóm đi đến barie 1 gần ngầm Binh trạm 41, ông bất ngờ phát hiện một chiếc C130 đang bay theo bắn rốc két vào xe. Ông chỉ kịp hét lên báo cho mọi người biết, thì xe đã bị dính đạn, lái xe bị thương. Lập tức tất cả mọi người trên xe nhảy xuống vào ngay hầm trú ẩn ven đường. Trọng Hạp vào sau cùng nên phải ngồi ngoài cửa hầm. Một tiếng nổ rất to, căn hầm đung đưa như võng, đất sập xuống che kín cửa hầm... Sau này ông mới biết, chỉ mình ông được cứu thoát, còn tất cả 10 anh em trong hầm đã hy sinh. Ngọc Minh và Văn Quy được công nhận liệt sĩ, còn ông là thương binh.

Bên cạnh văn công Trường Sơn chuyên nghiệp thì bộ chỉ huy quân sự các tỉnh cũng thành lập các đoàn ca múa và đi vào chiến trường biểu diễn. Bà Đoàn Thị, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn văn công Tỉnh đội Quảng Bình kể, một ngày tháng 5-1968, Tỉnh đội điều động 2 xe tải (loại 3 cầu) chở phông màn, nhạc cụ, ba lô, lương thực, thực phẩm và 17 diễn viên cả nam lẫn nữ vào Trường Sơn biểu diễn. Đến Binh trạm 9, lãnh đạo Binh trạm đã cử anh em ra trước để giúp mang vác, vận chuyển trang bị cho đoàn về nơi tập trung. Khi biểu diễn, sân khấu là một khoảnh đất tương đối phẳng khoảng 50m2 nằm dưới các gốc cây săng lẻ cổ thụ được bộ đội dọn sạch sẽ.

Tại một điểm chốt nơi đoàn đến phục vụ, do quá khó khăn trong quá trình vận chuyển thực phẩm hậu cần nên sau buổi biểu diễn, đơn vị không có gì bồi dưỡng cho văn công, thế là anh nuôi mới nảy ra sáng kiến: Lấy lương khô cho vào mũ sắt, giã vụn ra nấu chè chiêu đãi văn công. Một món ẩm thực độc nhất vô nhị: Chè lương khô - vừa mặn, vừa ngọt lại vừa béo. Thế mà cả chủ lẫn khách vẫn vô tư thưởng thức một cách ngon lành cho đến tận bát cuối cùng. Thật cảm động, những ngày ở Trường Sơn mới thấy được tình cảm đồng chí, đồng đội của chiến sĩ Trường Sơn với lính văn nghệ.

Ngoài văn công, ở Trường Sơn còn có đội ngũ sáng tác hùng hậu. Họa sĩ, nhà thơ Trần Nhương cho biết: Hồi chiến tranh, ở quân binh chủng nào cũng hình thành một đội ngũ tác giả trẻ. Quân chủng Phòng không - Không quân có Lưu Quang Vũ, Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân, Dương Duy Ngữ... ở Trường Sơn cũng vậy. Rất nhiều tân binh vào Trường Sơn, chính họ đã thấm đẫm trong thực tế chiến đấu mà viết văn. Đội ngũ "từ Trường Sơn sinh ra" có Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Phạm Hoa, Trần Nhương, Nguyễn Thụy Kha, Quang Chuyền, Trọng Khoát (văn, thơ), Hoàng Đình Tài, Đức Dụ, Bùi Quang Ánh... (họa sĩ), Hoàng Kim Đáng, Vương Hồng... (nhiếp ảnh). Một số lớn tác giả vào Trường Sơn và đã cho ra đời nhiều tác phẩm như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi, Xuân Sách, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú... Các nhạc sĩ Huy Du, Huy Thục, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Tân Huyền, Hoàng Hiệp, Trần Chung, Nguyên Nhung... Nhiều tác phẩm về Trường Sơn đến bây giờ vẫn được mọi người yêu mến.