Điểm đến

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: “Địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống

Linh Tâm 23/12/2024 - 15:29

Nhiều năm nay, người dân Hà Nội cũng như du khách trong nước và quốc tế đã quá quen với hình ảnh Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nằm dưới chân Cột cờ, trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình).

Sau gần 7 thập kỷ, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền lịch sử, bảo tàng đã được chuyển sang “cơ ngơi” mới tại địa chỉ: Km6 + 500 Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

bao-tang.jpg
Khách tham quan bảo tàng. Ảnh: Nam Nguyễn

Một bảo tàng hiện đại và hấp dẫn

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị triển khai xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1, bắt đầu đón khách tham quan từ tháng 11-2024, có tổng diện tích 38,66ha. Đây là tổ hợp công trình kiến trúc đa năng, hiện đại, mang bản sắc dân tộc và truyền thống quân sự Việt Nam, được sử dụng công nghệ tiên tiến, có tầm vóc ở khu vực và quốc tế.
Gây ấn tượng nhất với công chúng là tòa nhà chính cao 34m, có tổng diện tích sàn 64.640m², gồm 4 tầng nổi và 1 tầng hầm. Khối kiến trúc chính có hình cánh cung với hệ cột xiên có các góc nghiêng, được lấy ý tưởng từ chiếc nỏ. Hàng cột xiên như những cây tre, tượng trưng cho sự đoàn kết, vững chắc, mềm dẻo và linh hoạt - nét đặc trưng cơ bản của văn hóa và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Liên kết với tòa nhà là tháp Chiến thắng - điểm nhấn của công trình, được thiết kế lấy ý tưởng từ ngôi sao năm cánh trên lá cờ Tổ quốc. Các ngôi sao được xếp chồng lên nhau tạo thành tháp cao 45m, trên cùng là một ngôi sao lớn, tượng trưng cho năm 1945 - khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Tháp Chiến thắng có hình mũi tên, còn tòa nhà bảo tàng giống hình chiếc nỏ. Hai công trình này đứng cạnh nhau tạo thành hình ảnh của loại vũ khí đã gắn bó với người Việt cổ trong công cuộc gìn giữ, bảo vệ đất nước từ hàng ngàn năm trước.

Điểm đặc biệt chỉ có ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là phần trưng bày ngoài trời với bộ sưu tập các hiện vật vũ khí khối lớn ở hai bên tòa nhà. Một bên là vũ khí của quân và dân ta như xe tăng, các loại pháo mặt đất, phòng không, máy bay; bên đối diện là các loại máy bay, trực thăng vận tải CH47, pháo 175 ly - những chiến lợi phẩm thu được của địch.

Tiền sảnh của tòa nhà chính là nơi giới thiệu 16 mốc son trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đại sảnh là không gian trung tâm kết nối toàn bộ hệ thống trưng bày với thông điệp “Việt Nam yêu chuộng hòa bình”. Điểm nhấn của không gian này là Bảo vật quốc gia - máy bay MiG-21 số hiệu 4324 mang trên mình 14 ngôi sao đỏ, tượng trưng cho 14 lần máy bay này tham gia bắn rơi máy bay của không quân Mỹ từ năm 1965 - 1967. Với cách trưng bày hiện đại, hiện vật này được treo trên những dây kim loại thả từ mái nhà xuống, khiến người xem có cảm giác như chiếc máy bay của quá khứ đang bay qua cảnh thanh bình, tươi đẹp của Thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, phát triển.

Ngoài Bảo vật quốc gia máy bay MiG-21 số hiệu 4324, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam còn có 3 bảo vật quốc gia khác cùng hơn 150.000 hiện vật quý có giá trị, được chia thành 6 chủ đề khác nhau, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về lịch sử hào hùng của dân tộc và lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Một “địa chỉ đỏ” hấp dẫn

Ngay sau khi mở cửa đón công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã lập kỷ lục về số lượng khách tham quan với khoảng 30 nghìn lượt người mỗi ngày trong những tuần đầu. Lý giải về sức hút này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, bảo tàng nằm trên một địa thế đẹp, lại có cảnh quan kiến trúc độc đáo, hiện đại nên đã thu hút đông đảo khách tham quan, nhất là những du khách trẻ đã tạo nên xu hướng chụp ảnh check-in, lan tỏa trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Phần trưng bày trong nhà và ngoài trời với hàng trăm nghìn hiện vật lịch sử gắn với những câu chuyện hấp dẫn khiến cách trưng bày của bảo tàng không bị khô cứng như các bảo tàng khác.

Chia sẻ cảm xúc sau buổi tham quan, học tập truyền thống, Đại úy Nguyễn Bá Duy, Bí thư chi đoàn cơ sở khoa Ngoại ngữ (Học viện Kỹ thuật Quân sự) cho biết: “Bảo tàng được thiết kế hiện đại, sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến giúp chúng tôi dễ dàng tìm hiểu, tiếp nhận thông tin về lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây không chỉ là một bảo tàng mà còn là “một địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống hấp dẫn đối với thế hệ trẻ, qua đó chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”.

Theo Đại tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự, trong giai đoạn 2, công trình tiếp tục triển khai trưng bày 8 chuyên đề, 7 sưu tập, 12 chuyên ngành quân sự; phục dựng công trình quân sự tiêu biểu; tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, không gian trải nghiệm ngoài trời; không gian sáng tạo; du lịch sinh thái; khu vui chơi trẻ em và khu dịch vụ cho khách tham quan.

“Chúng tôi cũng nỗ lực cập nhật các kiến thức, công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên của bảo tàng bởi họ là “cầu nối” giữa du khách với các hiện vật. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục ứng dụng các công nghệ tiên tiến của bảo tàng quốc tế như hệ thống sa bàn 3D mapping, màn hình tra cứu thông tin, thuyết minh tự động (audio guide) và mã QR tra cứu thông tin hiện vật để du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin theo nhu cầu” - ông Huy cho biết.

Khi hoàn thành toàn bộ các hạng mục, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một thiết chế văn hóa đa năng, quan trọng, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và quốc gia; có quy mô lớn, hiện đại, tiên tiến; phản ánh toàn diện, sâu sắc về di sản văn hóa quân sự Việt Nam qua các thời đại.