Đời sống

Hoàn thiện thể chế về ngành nghề chăm sóc sắc đẹp

Hà Phong 23/12/2024 - 13:48

Ngày 23-12, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Các quy định pháp luật đối với ngành nghề chăm sóc sắc đẹp”.

40.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Anh Thư

Trong chương trình, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã cung cấp một số thông tin liên quan đến quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh đối với ngành nghề chăm sóc sắc đẹp.

Thông tin đáng lưu ý, quy định hiện hành, chỉ có một số loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ. Song thực tế, bên cạnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động có phạm vi hoạt động liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ, vẫn còn tồn tại rất nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui”. Trong khi đó, về mặt khoa học, khi xác định làm đẹp, đụng đến dao kéo thì cần phải lựa chọn những cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động, có phạm vi hoạt động chuyên môn, người làm phải có chứng chỉ hành nghề, thuốc phải trong danh mục, phải có phác đồ điều trị.

Để tăng cường quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ, TS. Nguyễn Trọng Khoa đề xuất xây dựng hành lang pháp lý theo hướng quy định chặt chẽ hơn. Đồng thời cần tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp về các quy định liên quan đến ngành nghề chăm sóc sắc đẹp.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng khác là cơ quan quản lý đẩy mạnh tuyên truyền, công khai những cơ sở tin cậy, đầy đủ chức năng, điều kiện; cũng như các cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật, đã bị xử lý để người dân biết và có sự lựa chọn đúng đắn. Cũng cần thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý các cơ sở có thực hiện dịch vụ thẩm mỹ.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Lê Vệ Quốc (Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật) cho hay, trong những năm gần đây, nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng gia tăng. Kéo theo đó, thị trường ngành làm đẹp tại Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực. Nghề làm đẹp cũng tạo ra cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, từ spa, chăm sóc da, làm tóc, học nối mi, nail mà còn hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa da liễu, răng hàm mặt, phẫu thuật thẩm mỹ... Lĩnh vực này không chỉ có tính chất thẩm mỹ bề ngoài đơn thuần mà còn là về vấn đề sức khỏe, tính mạng của con người. Vì vậy, hoàn thiện thể chế, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực này là điều kiện cần thiết.