Thúc đẩy đầu tư cho văn hóa: Huy động các nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa
Sở hữu nguồn tài nguyên di sản phong phú, đa dạng, Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Song, để có thể biến di sản thành tài sản, việc huy động các nguồn lực là vô cùng cần thiết.
Hànộimới Cuối tuần ghi lại một số ý kiến xung quanh vấn đề đầu tư và tài trợ trong lĩnh vực văn hóa.
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung:
Cần sự đầu tư của Nhà nước bằng những chính sách cụ thể
Trong suốt 10 năm với 6 mùa Lễ hội âm nhạc Gió mùa, chúng tôi đã tạo ra một thương hiệu văn hóa được biết đến không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước châu Á. Cùng với các nghệ sĩ, chúng tôi đã mời rất nhiều đại biểu, diễn giả từ khắp nơi trên thế giới chứng kiến Lễ hội Gió mùa, qua đó thúc đẩy sự hợp tác và phát triển âm nhạc. Tất cả họ đều rất ấn tượng, không chỉ về lễ hội mà còn về văn hóa, ẩm thực và đặc biệt là con người, khán giả Hà Nội. Điều đó cho thấy lợi ích về quảng bá văn hóa từ Gió mùa là rất lớn.
Tuy nhiên, vì là sự kiện của doanh nghiệp, và là hoạt động phi lợi nhuận nên chúng tôi luôn phải bù lỗ trong suốt thời gian thực hiện, kiên định xây dựng uy tín và thương hiệu cho Lễ hội. Rất tiếc, vào năm 2024, năm thứ 10 của Gió mùa, chúng tôi đã phải dừng lại vì không còn đủ nguồn lực, thời gian để giải quyết các khó khăn hay vướng mắc trong công tác tổ chức. Chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có điều kiện tốt hơn để có thể quay lại trong thời gian gần nhất.
Sau Gió mùa đi tiên phong và tạo cảm hứng, Hà Nội đã có thêm nhiều festival âm nhạc khác cho giới trẻ, như “HayFest”, “Những thành phố mơ màng”..., nhưng tất cả đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu. Tôi cho rằng, đã đến lúc Thành phố và các cơ quan quản lý cần nhìn nhận rõ hơn về những đóng góp của khối tư nhân, tin tưởng và cởi mở hơn để có thể huy động được nhiều nguồn lực xã hội, nhiều lớp trẻ có hoài bão khát vọng cống hiến cho công nghiệp văn hóa. Để các dự án có thể đi xa và cao hơn, rất cần sự đầu tư của Nhà nước bằng những chính sách cụ thể.
Ông Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chú trọng mục tiêu kinh tế trong các chính sách về văn hóa
Sự can thiệp của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa nhằm thực hiện không chỉ mục tiêu văn hóa, mà còn là các mục tiêu về kinh tế, chính trị, xã hội. Tại Việt Nam, các chính sách về văn hóa hiện nay chủ yếu tập trung vào các mục tiêu văn hóa, xã hội, chính trị, còn mục tiêu về kinh tế thì chưa được chú trọng đúng mức. Điều này khiến việc thiết kế các công cụ đầu tư và tài trợ của nhà nước chưa phù hợp và thiếu tính toàn diện. Do đó, việc mở rộng các mục tiêu kinh tế trong chính sách văn hóa không chỉ là điều cần thiết mà còn là một bước đi chiến lược trong quá trình hội nhập và chuyển đổi kinh tế, giúp nhà nước xây dựng các công cụ đầu tư hiệu quả hơn, đáp ứng cả nhu cầu bảo tồn văn hóa lẫn phát triển kinh tế trong thời kỳ mới.
Chính sách đầu tư và tài trợ của nhà nước dành cho văn hóa cần có sự cân bằng giữa hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp để đảm bảo phát triển bền vững. Hỗ trợ trực tiếp cung cấp sự ổn định cần thiết cho các tổ chức văn hóa; hỗ trợ gián tiếp thúc đẩy sự đa dạng, nguồn lực, sức sáng tạo và tinh thần đổi mới. Sự kết hợp này giúp các tổ chức văn hóa linh hoạt hơn trước các biến động về kinh tế và sự thay đổi của môi trường văn hóa.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các chính sách hiện tại chủ yếu tập trung vào hỗ trợ trực tiếp thông qua phân bổ ngân sách trung hạn và hằng năm, chưa có chính sách được thiết kế tiếp cận theo hướng kết hợp cả hai hình thức. Điều này làm hạn chế khả năng huy động nguồn lực tư nhân và khả năng tận dụng tiềm năng của cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế và nhu cầu văn hóa ngày càng tăng, việc mở rộng cơ chế hỗ trợ gián tiếp là cần thiết.
Bà Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ:
Mô hình hợp tác công - tư đóng vai trò quan trọng
Trong bối cảnh đô thị hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của một quốc gia mà còn là trách nhiệm của toàn nhân loại. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng này gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính. Ví dụ, việc sưu tầm, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thường không được đảm bảo nguồn kinh phí đầy đủ. Lĩnh vực văn hóa đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và tổ chức tài trợ, không chỉ vì giá trị truyền thống mà còn bởi khả năng tạo ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Sự hợp tác giữa các tổ chức công - tư sẽ tiếp tục góp phần to lớn thúc đẩy đầu tư vào văn hóa. Chính phủ và các tổ chức nhà nước sẽ tạo ra các chính sách, cơ chế và môi trường pháp lý thuận lợi, trong khi các doanh nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ và phát triển các dự án văn hóa, cung cấp các giải pháp sáng tạo. Mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa có thể giúp tối ưu hóa nguồn lực và phát triển các sản phẩm văn hóa chất lượng cao, tạo ra những dự án mang lại lợi ích cho cả xã hội và nền kinh tế, mở ra cơ hội để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Công ty TNHH Lên Ngàn:
Xây dựng cơ chế đầu tư và bảo trợ văn hóa phù hợp
Quá trình hội nhập quốc tế một cách tích cực đã đem lại cho Việt Nam cơ hội phát triển chưa từng có, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới. Bởi vậy, việc xây dựng cơ chế đầu tư và bảo trợ cho văn hóa phù hợp hơn với giai đoạn mới, bảo đảm sự phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - con người đã trở thành một nhu cầu bức thiết.
Cách thức hiệu quả nhất mà nhiều quốc gia đã thực hiện thành công trong việc tạo dựng thương hiệu quốc gia chính là việc kết nối đầu tư công - tư với di sản văn hóa địa phương, tích hợp thương hiệu doanh nghiệp địa phương và thương hiệu quốc gia trong một chỉnh thể thống nhất. Chính thương hiệu quốc gia sẽ tiếp thêm sức mạnh cho từng thương hiệu doanh nghiệp, và thương hiệu doanh nghiệp là những viên gạch góp phần xây nên thương hiệu quốc gia.
Theo tôi, các yếu tố quan trọng cần nhìn nhận và cải thiện tại Việt Nam để thúc đẩy môi trường đầu tư cho văn hóa hiện nay là: Cần những chính sách giảm bớt sự khác biệt và bất bình đẳng giữa các ngành kinh tế sáng tạo với các ngành sản xuất và dịch vụ khác nhằm thiết lập và phát triển một cơ chế thị trường hoàn chỉnh cho công nghiệp văn hóa; cần một hệ thống chính sách khuyến khích gia nhập thị trường thuận lợi hơn cho sản phẩm văn hóa, giảm sự can thiệp hành chính mang tính cảm tính của cơ quan quản lý; đây là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện điều tiết công bằng theo cơ chế thị trường, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa phải được coi như lực lượng sản xuất quan trọng và được ưu tiên về thuế, huy động vốn và hỗ trợ tiếp thị, phát hành, phân phối. Cần có hệ thống công cụ bảo hộ quyền lợi và quyền sở hữu trí tuệ cho người sáng tạo, trong đó đặt bảo hộ sở hữu trí tuệ của người Việt Nam vào trọng tâm.