Chính trị

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): Diệt tàu Mỹ ở Cửa Việt

Hải Triệu 22/12/2024 - 08:30

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân nổi danh là đơn vị tiêu diệt nhiều tàu Mỹ, ngụy trên cảng Cửa Việt.

Một trong những cán bộ mà nhân dân rất yêu quý là Thiếu tướng Mai Năng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công. Ông là chỉ huy Đội 1 Đoàn 126, từng đạt danh hiệu “Dũng sĩ Cát Bi” trong kháng chiến chống Pháp và cũng là người chỉ huy giải phóng Quần đảo Trường Sa.

cua-viet.jpg
Đội 1, Đoàn đặc công hải quân 126 được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cách đây 30 năm, khi chuẩn bị kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Giám hiệu Trường cấp 3 Tiên Du, Hà Bắc (nay là Trường THPT Tiên Du 1, Bắc Ninh) của chúng tôi đã mời Thiếu tướng Mai Năng về nói chuyện truyền thống. Tại đây, trong nhiều câu chuyện mà ông kể, tôi nhớ nhất chi tiết bộ đội đặc công hải quân vùi mình trong cát nóng nhiều giờ để đánh tàu địch. Sau này, khi làm báo, tôi được biết thêm, nhờ tài năng bơi lội và kỹ thuật đặc công điêu luyện, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 126 đã nhấn chìm nhiều tàu Mỹ, ngụy trên biển Cửa Việt, đặc biệt là năm 1968 và 1969.

Thiếu tướng Mai Năng kể, ngày 13-4-1966, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn huấn luyện trinh sát đặc công hải quân mang phiên hiệu Đoàn đặc công 126. Đoàn 126 được biên chế 12 đội, vừa huấn luyện vừa chiến đấu, đóng quân tại khu vực thuộc huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Cuối tháng 11-1966, Đội 1 và bộ phận tiền phương của Đoàn đặc công hải quân 126 do ông Mai Năng chỉ huy vào tới Vĩnh Linh (Quảng Trị). Lúc ấy, cảng Cửa Việt được xem như “dạ dày” còn tuyến đường biển Cửa Việt - Đông Hà được xem là “thực quản” để tiếp tế vũ khí, xăng dầu, nhu yếu phẩm cho hàng vạn quân địch ở Khe Sanh.

Tại đây, chúng huy động lực lượng khoảng 3 vạn tên với một cơ số hỏa lực bộ binh mạnh, như 80 khẩu pháo 105 ly và 175 ly bố trí ở một số căn cứ trên đất liền; 20 khẩu trọng pháo đặt trên 15 tàu; hàng trăm ca nô thường xuyên tuần tra trên sông, trên biển có 12 - 18 tàu chiến của hải quân Mỹ cùng một số tàu của quân Nam Triều Tiên. Khi ấy, lực lượng đặc công hải quân không ngừng sáng tạo các cách đánh tàu neo đậu của địch ở nhiều hướng bằng kỹ thuật áp mạn thô sơ CK2, đánh tàu địch bằng kỹ thuật người nhái kết hợp với CK2, rồi kỹ thuật người nhái đánh mục tiêu cố định như cầu, tàu neo đậu trong cảng.

Tối 31-3-1967, lực lượng chiến đấu của Đội 1 gồm chiến sĩ Tống Duy Kiên và Nguyễn Văn Kiểm đã bơi ra giữa sông tiếp cận tàu cuốc Hayda đang nạo vét ở cảng Cửa Việt. Bất chấp lính gác đi lại trên tàu và đèn pha ở bờ Nam chiếu xuống sáng trắng, chiến sĩ đặc công vẫn tiếp cận tàu, đặt mìn hẹn giờ khiến cho chiếc tàu nổ tung. Khu vực cảng Cửa Việt náo loạn, trên trời máy bay quần lượn bắn pháo sáng, còn tàu chiến, xe M113 chạy nhốn nháo.

Những ngày tiếp sau, ông Mai Năng đã chỉ huy lực lượng đặc công ở Cửa Việt luồn sâu, ém sát, đánh hiểm, gặt hái nhiều thắng lợi, trong đó có trận đánh chìm 5 tàu LCU và LCM của Mỹ trong một đêm tại cảng Đông Hà. Một trận đánh diễn ra 6 ngày liên tục vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-1968, đánh chìm 3 tàu gồm: Tàu LST 5000 tấn, tàu LCU 360 tấn và tàu tuần tiễu. Lãnh đạo Mặt trận B5 đã đặt tên trận đánh là “Ngựa hí biển Đông”, bịt cảng Cửa Việt trong 5 ngày liền. Bị đặc công nước của ta đánh chìm, đánh hỏng nhiều tàu vận tải ở Cửa Việt - Đông Hà, địch buộc phải phân tán lực lượng, thay đổi phương thức vận tải, các tàu trọng tải lớn trên 4.000 tấn phải neo đậu ngoài biển, cách bờ từ 1 - 5 hải lý, không được vào cảng.

Lúc này, ngoài nhiệm vụ đánh tàu ở cảng, trên sông, đặc công hải quân có thêm nhiệm vụ mới khó khăn gấp nhiều lần, đó là tìm cách đánh tàu địch ở ngoài biển. Để hoàn thành nhiệm vụ, ông Mai Năng và Ban chỉ huy Đoàn 126 xác định phương châm dùng lực lượng nhỏ, kiên trì, táo bạo, thọc sâu, giấu kín, quyết đánh và đánh thắng.

Do bị đặc công nước của ta đánh hỏng, đánh chìm nhiều tàu trên khúc sông Cửa Việt, Đông Hà, nên địch quy định các tàu có trọng tải lớn phải neo đậu ngoài biển, dùng xà lan và tàu nhỏ ra lấy hàng. Ngày 5-9-1969, phát hiện một tàu dầu 15.000 tấn của địch đậu cách bờ biển 3km về hướng Đông Nam, ông Mai Năng đã họp ban chỉ huy và giao nhiệm vụ cho đội 1 phải tiêu diệt mục tiêu này.

Đội 1 đã chọn phân đội 2 gồm 7 đồng chí chia làm 2 tổ tham gia trận đánh này. Tổ trực tiếp đánh gồm 3 người: Bùi Văn Hy, tổ trưởng; Trần Quang Khải và Trần Xuân Hồ. Tổ gùi vũ khí và bảo vệ có 4 người: Hồng, Xuân, Sơn, Thỉnh, do đồng chí Hồng làm tổ trưởng. 18h30 phút, cả hai tổ vượt đò cửa Tùng sang bờ Nam. 22h, đội hình phân đội 2 đến bờ Bắc Cửa Việt, tổ gùi hàng giao vũ khí cho tổ đánh tàu rồi lui về vị trí hẹn đón.

23h, tổ đánh tàu đeo phao kéo vũ khí xuống nước để vượt sông Cửa Việt sang bờ Nam. Mưa to, nước sông chảy mạnh, sóng lớn, đèn pha chiếu rất sáng. Tổ đánh tàu ra đến giữa sông thì đụng chiếc tàu cuốc đang đi từ biển vào, ba người đành bơi lại bờ Bắc, chờ tàu cuốc địch chạy qua tổ rồi lại vượt sông.

3h ngày 7-9, tổ đánh tàu bám được bờ Nam sông Cửa Việt, 5h sáng cả tổ đã giấu mình trong một cồn cát thuộc làng Vĩnh Hòa Phương ở bờ Nam Cửa Việt.

8h cùng ngày, một trung đội lính ngụy tuần tra qua làng Vĩnh Hòa Phương, chúng nghi ngờ nơi cồn cát có dấu hiệu lạ nên dừng lại lùng sục nhưng không phát hiện được các anh. 12h, địch ăn trưa ở cồn cát, đến 14h mới rút đi. 18h ngày 7-9-1969, tổ đánh tàu đội cát lên đường ra mép nước. 18h30 xuống nước bơi ra biển. Vừa bơi được 300m thì một cơn giông nổi lên, sóng gió rất mạnh, dòng chảy nơi cửa sông rất xiết nên cả tổ phải quay trở lại bờ giấu vũ khí, giấu người.

6h ngày 8-9, một số bà con ra cồn cát lượm củi, anh em đành nói rõ mình là quân giải phóng. Nhân dân tin, giữ bí mật và còn tiếp tế cơm nước cho quân mình. Tuy vậy, để đề phòng bất trắc, sau đó tổ đã chuyển ra cánh đồng. Lúc 17h ngày 8-9, hai chiến sĩ Trần Quang Khải,Trần Xuân Hồ mang vũ khí, đeo phao lần theo mép nước ra biển. Lặn ngụp trong nước, vật lộn với sóng gió trong 3 giờ liền.

Khoảng 20h15, hai chiến sĩ đã bám được dây neo của tàu. Hồ luồn về phía bên mạn trái tàu, Khải luồn sang phải, cả hai tìm khoang chứa dầu, cạo hà rồi áp mìn. Hai quả mìn cách nhau 3m, đều ở độ sâu 0,5m so với mặt nước biển. Do sơ suất nên anh em làm chiếc phao mìn nổi lên, tên lính trên boong phát hiện và lập tức nổ súng báo động, đạn tiểu liên AR15, lựu đạn ném xuống quanh tàu như mưa, hai chiến sĩ khẩn trương bơi vào bờ.

Địch nhanh chóng huy động 2 máy bay trực thăng, 1 máy bay C130, 5 tàu tuần tiễu từ Cửa Việt ra, kết hợp với tàu tuần dương và tàu khu trục Mỹ ngoài khơi vào truy tìm, pháo bắn lên sáng trắng cả một vùng biển, đạn các loại từ trên tàu, trên máy bay trút xuống như mưa. Các đơn vị địch trên bờ tại các căn cứ Mỹ ngụy từ Cửa Việt, Cửa Tùng báo động khẩn cấp, chúng bao vây mọi ngả nhằm không cho đặc công nước của ta trở về căn cứ.

Đồng chí Khải bị thương vào đùi, đồng chí Hồ bị sức ép ù tai, sợi dây liên kết giữa hai người bị đạn cắt đứt nên hai chiến sĩ mất liên lạc với nhau. 22h, đồng chí Khải bơi được vào bờ. Đúng lúc đó chiếc tàu dầu 15.000 tấn của địch đang di chuyển về phía cảng Cửa Việt thì bị nổ tung. Một quầng lửa lớn trùm xuống mặt biển, chiếc tàu địch chìm dần. Mãi đến 3h ngày 9-9, đồng chí Hồ mới bắt được bờ vì bị sức ép, sóng lại to.