Thơ múa cảm tác từ tranh dân gian Đông Hồ
“Họa tình nhân gian” là tác phẩm thơ múa của các nghệ sĩ trong quân đội, cảm tác từ tranh dân gian Đông Hồ. Tác phẩm vừa được nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2024.
Trước đó, “Họa tình nhân gian” cũng đã giành được Huy chương vàng tại Liên hoan Múa quốc tế 2024 tổ chức từ ngày 17 đến 21-8-2024 ở Thừa Thiên Huế.
Tác phẩm thơ múa “Họa tình nhân gian” là sự hội tụ sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên, sinh viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Trong đó, Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân Lữ Thị Kiều Lê là người viết kịch bản và đạo diễn; nghệ sĩ Cao Xuân Dũng phụ trách âm nhạc; ê kíp biên đạo gồm các Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Hiền Trang, Phạm Thanh Tùng và Nguyễn Thị Thanh Hằng.
Nghệ sĩ nhân dân Lữ Thị Kiều Lê chia sẻ, “Họa tình nhân gian” được cảm tác từ mỹ cảm tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, sự thăng hoa nghệ thuật của những nghệ nhân tài hoa và câu chuyện thăng trầm một làng nghề truyền thống. Các nghệ sĩ mong muốn, thông qua tác phẩm khắc họa nét đẹp truyền thống của làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời tôn vinh những người bảo tồn, giữ gìn và lan tỏa văn hóa truyền thống của dân tộc.
Với 3 phần, “Họa tình nhân gian” đưa khán giả bước vào không gian đậm màu sắc làng quê Kinh Bắc, trải nghiệm quá trình tạo nên những tác phẩm độc đáo của tranh khắc gỗ Đông Hồ. Ở phần 1 “Họa nhân”, tác phẩm khắc họa khung cảnh sinh động, nhộn nhịp của làng nghề, những nét tinh tế, riêng biệt của nghề làm tranh Đông Hồ qua hình tượng người làm giấy dó, giấy điệp; người phơi giấy, phơi tranh…
Phần 2 “Họa nghề” kể câu chuyện làng nghề tranh Đông Hồ thời hưng thịnh với những nghệ nhân say sưa sáng tác, thực hiện các công đoạn sáng tác, tạo ván khắc gỗ, làm bột màu từ than tre, hoa hòe, sò điệp, sỏi non, lá chàm... Thông qua các động tác hình thể, cùng âm nhạc, ánh sáng, đạo cụ, những bức tranh cùng bao câu chuyện dân gian hiện dần lên.
Còn phần 3 “Họa tình” mang nốt trầm của một làng nghề truyền thống trước cơn lốc phát triển kinh tế thị trường. Nhưng với ý chí, tình yêu và tâm huyết, những nghệ nhân, người làm nghề vẫn quyết tâm giữ gìn nghề làm tranh Đông Hồ, còn thế hệ trẻ với nhiều sáng tạo mới mẻ đang làm bừng lên sức sống của dòng tranh này.
Tác phẩm có sự kết hợp tinh tế giữa chất liệu dân gian dân tộc Việt Nam với múa hiện đại. Các vũ điệu truyền thống đặc trưng của dân tộc như trống bồng, guộn ngón, guộn đèn, đi lướt... được kết hợp hài hòa với những chuyển động mang tính ngẫu hứng của múa hiện đại, vừa nổi bật nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, vừa phản ánh được nhịp sống đương đại. “Họa tình nhân gian” như chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại. Tác phẩm không chỉ đem lại xúc cảm về thị giác, mà còn cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời khẳng định sự sáng tạo, làm mới nghệ thuật vẫn cần giữ được hồn cốt của dân tộc.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, “Họa tình nhân gian” đã thể hiện tốt đề tài giữ gìn bản sắc dân tộc. Cấu trúc nhạc chặt chẽ, bố cục chi tiết. Tác phẩm dùng thủ pháp truyền thống nhưng kết hợp khá nhuần nhuyễn với hiện đại, khoe được kỹ thuật, tài năng sáng tạo của diễn viên. Vở múa đã kể được câu chuyện văn hóa dân gian đẹp, nói lên sức sống trường tồn của văn hóa dân gian.
“Họa tình nhân gian” cũng cho thấy những nỗ lực sáng tác của lực lượng văn nghệ sĩ quân đội để có được những tác phẩm chất lượng, giàu ý nghĩa, không chỉ phục vụ cán bộ, chiến sĩ, mà còn đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng hiện nay.